Y tế dự phòng: Bao giờ hết kém “dự”, ít “phòng”?

Y tế dự phòng có vai trò rất quan trọng với việc đưa ra những chiến lược dự phòng nhằm thay đổi những yếu tố gây bệnh có thể can thiệp được, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Nhưng đáng tiếc, hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng của ta còn rất thấp, nhiều dịch bệnh, vì thế “đến hẹn lại lên”.

Bài 1: Gian nan “vực dậy” hệ thống y tế dự phòng

Hàng năm, Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm và hàng nghìn trường hợp tử vong do các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh do véc tơ truyền (sốt xuất huyết, viêm não, sốt rét, bệnh liên cầu khuẩn ở người, tay - chân - miệng...). Thêm vào đó, trong xu thế chung của thế giới, các bệnh không lây nhiễm cũng ngày càng gia tăng và đang trở thành gánh nặng bệnh tật lớn tại Việt Nam.

Tổ chức phun thuốc phòng dịch ở khu vực dân cư phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Thanh Long-TTXVN


Thực tế này cho thấy công tác y tế dự phòng (YTDP) có vị trí rất quan trọng, hoàn toàn có khả năng thay đổi các yếu tố có thể can thiệp được để nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Bởi lẽ, sự phát sinh các bệnh mãn tính là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lý qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Nếu có biện pháp hiệu quả để tác động vào các yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được (dinh dưỡng, môi trường sống, vận động thể lực, lối sống như hút thuốc lá, thói quen rượu bia) thì sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ở quy mô cộng đồng.

Lý thuyết là thế, song thực tế thì hiệu quả hoạt động của công tác YTDP luôn rất mờ nhạt, cán bộ YTDP thường chỉ được nhắc với vai trò là những người đi... dập dịch. Người dân không thể hiểu tại sao gần như năm nào ngành y tế cũng tất bật với công tác chống dịch, cứ đến mùa là dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, sốt phát ban, thủy đậu, rubella, chân tay miệng... lại lên. Điển hình là dịch sốt xuất huyết.

Ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng luôn khẳng định là đã gửi văn bản yêu cầu các cơ sở trực thuộc khẩn trương tiến hành các giải pháp để phòng chống dịch sốt xuất huyết từ đầu năm; nhưng rồi năm nào cũng vậy, cán bộ YTDP luôn loay hoay đi diệt véc tơ, xử lý ổ dịch. Công tác YTDP chỉ khẩn trương khi dịch đã xảy ra nên hậu quả là số bệnh nhân mắc không giảm, tỷ lệ tử vong do mắc sốt xuất huyết năm sau có khi còn cao hơn năm trước. Ngay tại thời điểm này, mỗi tuần cả nước vẫn ghi nhận từ 700 - 800 ca mắc sốt xuất huyết.

Nhiều chuyên gia y tế khẳng định rằng sự yếu kém trong công tác YTDP bắt nguồn từ những hạn chế về ngân sách, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách...

“Chia năm xẻ bảy” nguồn kinh phí ít ỏi

Nghị quyết 18/2008/NQ-QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đã chỉ rõ: "Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng”. Nhưng khảo sát của Bộ Y tế tại 15 địa phương sau 2 năm thực hiện Nghị quyết cho thấy: Nếu không tính chi cho tuyến xã, tỷ lệ ngân sách mà các địa phương dành chi cho YTDP bình quân chỉ đạt 15,8%.

- "Các tỉnh có định mức phân bổ ngân sách cho YTDP khác nhau tùy thuộc vào số lượng biên chế, nguồn lực thực tế của địa phương hàng năm. Đặc biệt, do các tỉnh không tính đến vấn đề tăng lương cơ bản trong việc phân bổ ngân sách hàng năm cho YTDP nên khi Chính phủ quyết định nâng mức lương cơ bản thì thiếu trầm trọng ngân sách chi cho lương, thậm chí có nơi còn không còn kinh phí cho phòng, chống dịch”, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục HIV/AIDS, thẳng thắn nói.

"Ngoài ra, do hệ thống tổ chức chưa được kiện toàn nên hệ YTDP luôn lâm vào tình trạng "thiếu trước, hụt sau”. Hiện nay, hệ thống tổ chức YTDP còn "gánh” cả các trung tâm mắt, da liễu, Trung tâm Pháp y, giám định y khoa... Ngân sách ít, "con cháu nhiều” thì lấy đâu ra kinh phí cho công tác chuyên môn là giám sát dịch, phòng dịch...?”.

Tiêm vắcxin phòng cúm cho trẻ em tại phòng tiêm chủng của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: Hữu Oai-TTXVN


Ngân sách chưa đảm bảo, lại còn bị “chia năm xẻ bảy” như thế nên khi về tới các trung tâm YTDP, ngân sách chỉ được phân bổ chủ yếu cho lương, còn tỷ lệ chi cho hoạt động chuyên môn chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn. Cụ thể, có 56% ngân sách dành cho lương, 17% chi cho chuyên môn, 14% chi cho mua sắm tài sản, hóa chất... Cá biệt, cơ cấu chi cho hoạt động chuyên môn YTDP năm 2008 của một số tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Kon Tum, Phú Yên, Đắk Lắk, chỉ đạt từ 3-5%. Sang các năm 2009, 2010, số kinh phí chi cho chuyên môn nghiệp vụ tại các tỉnh này đã "nhỉnh” hơn một chút, nhưng cũng chỉ đạt 5 - 7%.

- "Với mức chi 3- 7% kinh phí cho hoạt động chuyên môn YTDP thì làm sao có thể khống chế được dịch khi có dịch xảy ra? Dịch xảy ra phải giám sát 12 tháng, xem dịch xảy ra từ tháng nào, nguồn dịch xảy ra từ đâu, nguyên nhân do loại virút, vi khuẩn nào thì mới đưa ra được giải pháp phòng dịch hiệu quả”, GS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, lo lắng nói.

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, nước ta có 54 bệnh thường xuyên xảy ra, trong đó có 24 bệnh cần báo cáo Chính phủ và thống nhất với các tổ chức quốc tế, thực hiện các hoạt động liên quan đến giám sát, khống chế và phòng chống các dịch bệnh.

Ông Nguyễn Dung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chia sẻ: "Trước kia, các phòng y tế huyện rất hay đi lấy mẫu nhưng từ lúc có quy định đơn vị nào lấy mẫu xét nghiệm phải tự trả tiền thì họ giảm hẳn, thậm chí không đi lấy mẫu để xét nghiệm nữa để khỏi mất nhiều kinh phí, khỏi ảnh hưởng đến thu nhập của anh em”.

Vậy nên, trong hệ YTDP đang tồn tại tình trạng tiết kiệm ngân sách cho hoạt động chuyên môn để còn chi cho lương. Cũng vì bị “bó chân bó tay” như thế nên mới có chuyện lạ là chính một số cán bộ YTDP còn mong có dịch xảy ra để có thêm kinh phí làm nghề.

- "Mỗi khi có dịch xảy ra thì các đơn vị mới xin được nguồn ngân sách. Nhưng thường thì sau khi dịch xảy ra mấy tháng, tiền mới về thì làm sao mà có thể khống chế dịch được ngay, làm sao dự báo trước được vụ dịch? Vì vậy, chỉ khi nào các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư ngân sách đúng mức cho hệ YTDP thì hiệu quả hoạt động phòng chống dịch mới có thể khởi sắc hơn”, GS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định.

Phương Liên

Bài 2: Thiếu trầm trọng nhân lực, cơ sở vật chất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN