Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khẳng định như vậy tại cuộc họp đặc biệt để đánh giá mức độ sai phạm và đề ra những biện pháp xử lý triệt để đối với vụ việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, chiều 9/8.
Mục tiêu là rút ruột BHYT?
Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội, đầu tháng 6/2013, ngay sau khi nhận được tố cáo của 3 nhân viên khoa Xét nghiệm, BV đa khoa Hoài Đức, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan. Ngày 7/8, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 222: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Căn cứ vào tài liệu thu thập được có trong hồ sơ, cơ quan điều tra xác định: Từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, khoa Xét nghiệm của BV đa khoa huyện Hoài Đức, đã cấp phát 2.237 phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau. Cụ thể, có 10 phiếu xét nghiệm, mỗi phiếu có kết quả trùng với 3 người khác (30 phiếu xét nghiệm khống); 41 phiếu xét nghiệm mỗi phiếu có kết quả trùng với 2 người khác (82 phiếu xét nghiệm khống); và 1.037 phiếu xét nghiệm mỗi phiếu có kết quả trùng với 1 người khác (1.037 phiếu xét nghiệm khống). Các phiếu xét nghiệm khống này đều thuộc lĩnh vực huyết học, cho các bệnh nhân ngoại trú có bảo hiểm y tế, nhằm mục đích thanh toán tiền bảo hiểm y tế chuyển về bệnh viện, sau đó được chuyển cho các khoa để sử dụng chung vào các mục đích cá nhân. Tổng số tiền bệnh viện đã được bảo hiểm y tế thanh toán để phục vụ cho các phiếu xét nghiệm nêu trên, bước đầu xác định khoảng trên 60 triệu đồng.
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ xem có việc gắn kết quả xét nghiệm này vào bệnh nhân khác để điều trị hay không.
Sai phạm tới đâu điều tra tới đó
Tại cuộc họp, tất cả đại biểu các sở, ban, ngành của Hà Nội đều có chung một đánh giá: Vụ việc sai phạm tại BV đa khoa Hoài Đức là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người dân đối với ngành y tế. Do đó, đã đến lúc Sở Nội vụ cần phối hợp với ngành y tế, rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý tại các bệnh viện của thành phố, xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ, công tác quản lý, thu chi tài chính… Sau kết luận của cơ quan điều tra, cần xử lý nghiêm người vi phạm, đồng thời có biện pháp bảo vệ những người tố cáo.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Ngoài việc tạm đình chỉ hàng loạt cán bộ liên quan tới vụ việc, ngày 8/8, UBND TP đã có văn bản yêu cầu xem xét trách nhiệm của Ban giám đốc Sở Y tế và các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ trong việc theo dõi các bệnh viện quận, huyện. Sáng 14/8, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức sinh hoạt toàn ngành để thông báo và rút kinh nghiệm về vụ việc đối với các đồng chí đứng đầu các bệnh viện. Ngoài ra, tiến hành rà soát đối với việc xã hội hóa tại các bệnh viện trên địa bàn, sớm báo cáo UBTP để có chỉ đạo kịp thời”.