Xa quê bao nhiêu năm, bôn ba xứ người cách nửa vòng trái đất, nay mới có dịp về thăm quê hương, thăm ngôi nhà xưa yêu dấu thuở nào. Chiếc xe taxi đưa tôi về đến quê nhà chỉ mới hừng đông của ngày đầu tiên năm mới. Tôi bước thong dong trên con đường đá đỏ dẫn lối vào nhà để cảm nhận sự thanh bình, trong lành của hương vị Tết. Vẫn là hàng rào dâm bụt thuở nào, với những cánh hoa vàng, đỏ, hồng đong đưa khoe sắc. Cội mai già thời thơ bé của tôi còn đó, từng chồi non, cánh hoa kiêu hãnh vươn mình trong sương sớm. Ao sen trong hồ cũng đua nhau khoe sắc với mai vàng. Từng nụ sen đỏ thắm vươn lên từ bùn đen, tỏa một mùi thơm nhẹ nhàng đủ làm tôi ngây ngất. Các khóm hoa vạn thọ được trồng thành một dãy trước hiên nhà. Đây là sở thích cố hữu của mẹ tôi. Cứ hễ sắp đến Tết cổ truyền là mẹ gieo hạt vạn thọ, sau đó thì bấm đọt cho cây ra nụ. Qua Tết, mẹ mang những bông hoa vạn thọ cánh tròn phơi khô, treo giàn khói để dùng cho Tết năm sau.
Nhìn thấy tôi thấp thoáng ngoài bờ rào, thằng cháu đã la to: “Chú Út về rồi, ông nội ơi!”. Thực sự là tôi không nhận ra thằng nhóc. Nay nó nhổ giò, lớn tướng, lại bể giọng khan khan trông rất lạ. Bất giác tôi nhìn lại mình. Thì ra bao nhiêu năm qua mình vẫn không thay đổi mấy. Bằng chứng là thằng cháu vẫn còn nhận ra mình. Nó nắm tay tôi kéo vào nhà, gương mặt hớn hở: “Bữa nay chú Út về… Việt kiều về xông nhà chắc hên lắm nè!”. Tôi không nói gì, chỉ biết cười, rồi ngoan ngoãn theo nó vào nhà như một đứa trẻ.
Ngôi nhà mái ngói cổ rong riêu từ thời ông nội tôi còn đó, chỉ khác cái những cửa sổ được trổ ra cho thoáng mát. Trong nhà, ba tôi vẫn giữ thói quen treo những bức tranh dân gian Đông Hồ với dăm câu liễn chúc Tết. Trên bàn thờ, vẫn là lọ hoa tứ bình “mai lan cúc trúc” cùng mâm ngũ quả “cầu sung dừa đủ xoài”. Ngoài ra còn có bánh in, bánh tét, dưa hấu và các loạt kẹo mứt khác. Tất cả vẫn cứ như còn mới hôm qua, duy chỉ có gia đình tôi là thay đổi. Ba mẹ già hơn, trên đuôi mắt hằn nhiều dấu chân chim, da trổ đồi mồi, lưng còng, tay chân run rẩy. Gặp lại tôi, ba mẹ chỉ biết khóc, giọng run run mà không thốt thành lời. Ba kéo tôi lại bàn thờ gia tiên, bật diêm cho tôi đốt mấy nén nhang thành kính trước ông bà, cảm ơn ông bà đã cho gia đình tôi đầy đủ sức khỏe, có cơm ăn áo mặc. Sau cuộc hội ngộ đầy nước mắt, mâm cơm tân niên được dọn ra. Ba tôi bảo: “Đây là cái Tết vui nhất từ trước tới nay của cả nhà”. Bởi lần đầu tiên ba mẹ được dùng bữa cơm ngày đầu năm mới với đầy đủ cháu con. Bữa tiệc chỉ mới bắt đầu nhưng dường như tôi no mắt, cứ nhìn vào chiếc chén đầy vun thức ăn là tôi lại lâng lâng.
Được sống trong ngôi nhà yêu dấu của mình sau nhiều năm ngụ cư trong căn gác ọp ẹp xứ người, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc. Nhìn thấy cảnh gia đình nói cười, tay bắt mặt mừng, tôi như được sống lại thời niên thiếu thuở nào.
Nguyễn Hoàng Duy