Xóa bỏ cơ chế cho không, tạo sinh kế cho đồng bào

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội thảo “Kỹ thuật góp ý dự thảo báo cáo khả thi và thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020”.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT; đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình 135 của UBDT chủ trì Hội thảo.

Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 là một dự án thành phần, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Theo ông Võ Văn Bảy, dự thảo Thông tư thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 có thêm một hợp phần nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng, cùng với hai hợp phần là xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất như Chương trình giai đoạn 2013 - 2015. Cụ thể, hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của người dân hưởng lợi theo phương châm xã, thôn, bản có công trình, dân có việc làm và thu nhập; hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ tập trung khuyến khích hỗ trợ theo tổ nhóm sinh kế cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nội dung thay đổi theo từng loại hoạt động sản xuất, nhưng xóa bỏ cơ chế cho không, tăng cường đóng góp của người hưởng lợi trong các hoạt động.

Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Chương trình có nhiều điểm mới so với các giai đoạn trước là sẽ hướng đến các đối tượng rộng hơn, không chỉ hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo mà còn hỗ trợ cả những hộ người Kinh nghèo và cận nghèo đang sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các hoạt động của Chương trình phù hợp với nhu cầu của người hưởng lợi, với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Trong hai năm đầu thực hiện, Chương trình sẽ thí điểm quy trình lập kế hoạch có sự tham gia toàn diện, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để cân nhắc mở rộng phạm vi áp dụng và thể chế hóa”, ông Võ Văn Bảy cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất: Nên thành lập ban phát triển thôn để làm đơn vị triển khai thực hiện chương trình, bởi nếu chỉ có trưởng thôn sẽ không thể triển khai được do phải kiêm nhiệm, mặt khác trình độ cũng còn hạn chế. Trong quá trình thực hiện tránh chồng chéo, tạo cơ chế thông thoáng trong thanh quyết toán, đồng thời phù hợp với trình độ của cán bộ cấp xã khi giao cho họ làm chủ đầu tư; trong công tác quản lý cũng cần nhất thể hóa các đầu mối, ở trong dự thảo vai trò của cơ quan làm công tác dân tộc ở các cấp cũng rất mờ nhạt…

Chương trình 135 góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số.

“Hỗ trợ hạ tầng theo một mức sẽ không phát huy được hiệu quả, bởi mức đầu tư của chương trình thấp, tạo ra tính không đồng bộ của hạ tầng. Đồng thời, vốn hỗ trợ sản xuất cũng không đủ triển khai các mô hình sản xuất, trong khi đó khâu hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho đồng bào rất tốn kém tiền bạc; sự giám sát cộng đồng cũng rất quan trọng nhưng trong dự thảo chưa mô tả được vai trò của nó. Nên chăng, giao cho cấp thôn, bản làm chủ đầu tư các công trình, tuy nhiên để làm được việc này cũng cần có cơ chế để cấp này có thể thanh quyết toán được nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ”, ông Đỗ Đức Khôi, đại diện Tổ chức Nông lương Thế giới cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Bảy ghi nhận những ý kiến của các đại biểu đóng góp tại hội thảo, đồng thời cho biết, trong thời gian tới UBDT sẽ tổ chức các cuộc Hội thảo để tiếp tục xin ý kiến hoàn thiện bổ sung, hoàn thiện Thông tư hướng dẫn chương trình.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Nông thôn mới dần hiện hữu tại vùng khó
Nông thôn mới dần hiện hữu tại vùng khó

Tỉnh Tuyên Quang có 61 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 245 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực I, khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN