Thời gian qua bằng nhiều hình thức, nhiều cách làm phong phú, đa dạng, sát hợp với điều kiện thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, vùng miền không phân biệt giới tính, tuổi tác, trình độ, văn hóa, tôn giáo, dân tộc… công tác thi đua khen thưởng đã thấm sâu vào suy nghĩ, nhận thức, hành động của nhiều cá nhân và tập thể.
Thầy giáo Lương Quốc Hoàn - giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở ở tỉnh Hà Nam - trao đổi với học sinh ngoài giờ học. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Trong phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ khác nhau tạo ra bầu không khí sôi nổi thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên công tác tuyên truyền về các gương điển hình cá nhân, tập thể chưa nhiều, thiếu chiều sâu, chưa làm rõ hoàn cảnh, điều kiện, cách làm, hiệu quả mang lại cho bản thân, gia đình và xã hội.
Một số cơ quan đơn vị hô hào khẩu hiệu phát động thi đua nhưng còn thụ động, lúng túng trong kế hoạch thực hiện. Cụ thể thi đua như thế nào? Tiêu chí cụ thể ra sao? Việc tuyên truyền phải làm gì? Mức độ khen thưởng ra sao? Thời gian sơ, tổng kết lúc nào là phù hợp? Đáng lo ngại là có nhiều đợt tổng kết thi đua khen thưởng khá rầm rộ, hoành tráng nhưng bài học kinh nghiệm quý báu sau đợt thi đua là gì thì chưa được phân tích đánh giá sâu sắc, nghiêm túc.
Việc xét khen thưởng thi đua phải thực sự dân chủ, công bằng, công minh, khách quan. Trong thực tế một số cơ quan, đơn vị bình xét thi đua theo phương châm xét danh hiệu, tiêu chuẩn cao nhất cho lãnh đạo rồi sau đó mới đến cấp dưới. Việc xét khen thưởng như trên đã không khách quan vì thiếu cân nhắc, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên và cấp dưới.
Ở góc độ khác, một số hội đồng thi đua khen thuởng của cơ quan, đơn vị không nắm chắc quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó chỉ tập trung vào công tác thẩm định những văn bản đề nghị do cấp dưới chuyển đến mà quên đi vai trò tư vấn, kiểm tra công tác thi đua khen thưởng ở các cấp do mình quản lý.
Nhiều nơi còn đưa ra tiêu chí không phù hợp, không khả thi, gây tác dụng nghịch, vừa lãng phí sức của lẫn sức người, vừa làm giảm không khí thi đua. Có cả trường hợp “vận dụng” toàn bộ tiêu chí thi đua của đơn vị khác áp đặt vào phong trào thi đua của mình.
Một số hội đồng thi đua khen thưởng chưa thật quan tâm đến công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi kết thúc các đợt thi đua, nếu có chỉ tập trung phản ảnh vào dịp tổng kết năm. Song song đó, công tác truyền thông chỉ tập trung chủ yếu vào các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa khai thác triệt để thế mạnh tuyên truyền miệng trong các loại hình họp tổ, đội, hội, nhóm… các lễ hội truyền thống dân gian trong thân tộc, xóm làng…
Muốn đánh giá chính xác, khách quan một điển hình cá nhân, tập thể xuất sắc thì cần lắm đội ngũ cán bộ thi đua khen thưởng thật công tâm, đạo đức tốt, chuyên môn sâu, nắm chắc tình hình thực tế, phân tích, đánh giá, dự báo tình huống nhạy bén, căn cơ.
Cần lắm một sự đánh giá khách quan tầm quan trọng của công tác này đi kèm với việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy thi đua khen thưởng các cấp. Đồng thời cần rà soát, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng chân chính của đội ngũ cán bộ đã và đang làm bệ phóng vững chắc cho những điển hình tiên tiến.
Trấn Giang