Xây dựng thương hiệu ngành hàng, hướng đi mới của chương trình Thương hiệu Quốc gia

“Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2011” với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng” đã được báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hôm qua (24/8) tại Hà Nội. Với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, hàng trăm doanh nghiệp, các chuyên gia uy tín và đông đảo các cơ quan báo chí, sự kiện nhằm hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích chung của việc xây dựng thương hiệu ngành hàng và hình ảnh quốc gia.

Xây dựng thương hiệu ngành hàng để phát triển bền vững


“Xây dựng thương hiệu ngành hàng có sự phát triển bền vững, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới là vô cùng quan trọng, sẽ giúp các DN trong ngành gắn kết nhau hơn, tăng năng lực cạnh tranh, tăng giá trị xuất khẩu của ngành hàng”. Thứ trưởng Bộ Công Thương  Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2011.


Phát biểu với PV báo Tin Tức bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết: Nhận thức của các DN Việt Nam về việc xây dựng thương hiệu cũng còn nhiều hạn chế. DN mới chỉ quan tâm đến xuất khẩu nguyên liệu, mặt hàng sơ chế dưới dạng nguyên liệu, các sản phẩm thô... mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài là các sản phẩm hoàn chỉnh có tính thương hiệu. DN chỉ quan tâm đến thương hiệu của bản thân mình mà chưa có sự liên kết xây dựng thương hiệu của cả ngành hàng. Việc xây dựng thương hiệu ngành hàng đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các DN trong cùng hiệp hội ngành hàng với nhau nhưng lâu nay hiệp hội ngành hàng không phát huy vai trò của mình trong việc tìm tiếng nói chung. Hơn nữa, nhiều hiệp hội còn có suy nghĩ vấn đề thương hiệu quốc gia (THQG) là của Bộ Công Thương, của Cục Xúc tiến thương mại hay Chương trình THQG, không phải việc của họ.

Trên phương diện là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ làm gì để giúp các DN, hiệp hội xây dựng thương hiệu chung, thưa ông?

Trong vấn đề xây dựng thương hiệu ngành hàng, chúng ta cần phải giải quyết những bất cập trong ý thức, trong nhận thức và từ đó có sự đồng thuận trong phương pháp quản lý cũng như chủ trương của Chính phủ.

Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các thương hiệu ngành hàng, nhất là ngành hàng hiện nay có sự phát triển mạnh về chiều rộng cũng như chiều sâu, thu hút đông đảo sự quan tâm của DN, thu hút nhiều lao động, có giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, DN xây dựng thương hiệu cho cá nhân mình, cho sản phẩm của mình nhưng chưa quan tâm đến thương hiệu chung của ngành hàng hoặc một thương hiệu đặc trưng cho ngành hàng đó. Do vậy, Bộ Công Thương đang cùng với các ngành, nghề thông qua Chương trình THQG để định hướng cho các DN trong việc tìm thương hiệu chung.

Đầu tiên, chúng ta phải xác định rõ ai là người đứng ra xây dựng thương hiệu cho ngành hàng, lâu nay quan niệm này vẫn chưa có sự đồng thuận. Các DN thì cho rằng việc này không phải của họ, các hiệp hội thì không phát huy được vai trò của mình, không đủ năng lực, hơn nữa họ cũng quan niệm đó không phải là việc của hiệp hội ngành hàng mà là việc của Nhà nước. Do vậy, tôi muốn thông qua buổi tọa đàm này để truyền tải tới đông đảo đến các DN và hiệp hội là: Nhà nước có thể hỗ trợ nhưng không thể làm thay DN và hiệp hội. Việc xây dựng thương hiệu ngành hàng phải do ngành hàng đó đảm nhận với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.

Tôi ví dụ, xây dựng thương hiệu cà phê, đầu tiên phải nghĩ đến trách nhiệm của Hiệp hội Cà phê - Ca cao; cá tra, cá ba sa là trách nhiệm của Hiệp hội Chế biến Thủy sản. Phải xác định rõ vai trò của các hiệp hội, DN trong việc xây dựng thương hiệu thì Nhà nước mới có cơ chế hỗ trợ về mặt chủ trương, đường lối, chính sách tài chính, truyền thông, chuyên môn, các kỹ năng để phát triển thương hiệu... Phải chỉ ra được ai và sẽ phải làm gì.

Theo ông, xây dựng thương hiệu ngành hàng thành công sẽ giúp ích gì cho các DN?

Hiện một số ngành hàng của chúng ta đã vươn ra khu vực và có quy mô thế giới, có giá trị xuất khẩu cao nhưng tính bền vững và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam còn thua kém một số các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Bởi vì, chúng ta mới chỉ chú trọng xây dựng thương hiệu của một số sản phẩm của từng DN. Trong khi đó, hình ảnh thương hiệu của ngành hàng mà chúng ta đang chiếm chi phối hoặc tỷ trọng lớn trên thị trường khu vực và thế giới thì lại chưa có những chương trình đầu tư cụ thể.

Do vậy, việc xây dựng ngành hàng có sự phát triển bền vững, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới là vô cùng quan trọng, sẽ giúp các DN trong ngành gắn kết nhau hơn, tăng năng lực cạnh tranh, giá trị xuất khẩu của ngành hàng đó.

Hiện, Bộ Công Thương đang cùng với các cơ quan chức năng họp bàn về việc liên kết giữa các DN với hiệp hội, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các bộ, ngành để đưa ra hướng phát triển cho các ngành hàng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Ngô Hà Thái, Phó TGĐ TTXVN: “Tiếp tục là người bạn đồng hành với chương trình THQG”

Xây dựng THQG là chương trình vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng của nước ta. Hỗ trợ cho quá trình đó, hệ thống truyền thông của cả nước, trong đó có các đơn vị thông tin của TTXVN đã tổ chức nhiều tuyến tin, bài giới thiệu sâu rộng và đa dạng về chương trình, về các DN tham gia chương trình qua đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung, của giới DN nói riêng trong tham gia xây dựng thương hiệu quốc gia.

Với thế mạnh là hãng thông tấn duy nhất của Nhà nước, là tổ hợp truyền thông và lợi thế là hệ thống phân xã ở khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước và gần 30 phân xã nước ngoài, TTXVN là kênh thông tin đáng tin cậy và hiệu quả trong việc thông tin tuyên truyền cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và cho việc xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện Chương trình Xây dựng THQG nói riêng. TTXVN tiếp tục là người bạn đồng hành tốt của các DN và của Chương trình xây dựng THQG, góp phần tạo ra những THQG xứng tầm đại diện cho đất nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó TGĐ Tập đoàn Viettel: “Xây dựng thương hiệu mạnh, có tầm vóc quốc gia”

Khi Viettel đầu tư sang Campuchia, để đáp ứng yêu cầu làm việc quốc tế, Viettel đã cử những người biết tiếng Anh đi. Nhưng sang đến nơi người Campuchia lại không nói tiếng Anh (dù họ nói tiếng Anh giỏi hơn mình). Thế là phải dạy tiếng Campuchia cho cán bộ nhân viên của mình làm việc tại đây. Nói như vậy để thấy, để thành công, DN phải quan tâm xây dựng thương hiệu và có chiến lược kinh doanh đúng đắn. Để DN xây dựng thương hiệu mạnh, có tầm vóc quốc gia thì cũng cần sự hỗ trợ cụ thể từ phía Chính phủ. Đơn cử như, để các DN có thể đầu tư và phát triển thương hiệu ra nước ngoài, Nhà nước có thể tạo điều kiện bằng nhiều cách. Một năm, Viettel đóng thuế thu nhập khoảng 3.000 tỷ đồng (khoảng gần 200 triệu USD) số tiền đủ để đầu tư sang một thị trường nước ngoài.

Ông Lê Cự Tân- Phó TGĐ Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC): “Quảng bá hình ảnh qua THQG là chủ trương đúng”

Việc quảng bá hình ảnh qua Chương trình THQG là chủ trương đúng đắn. Thực tế, giải thưởng THQG đã giúp PTSC rất nhiều trong việc quảng bá hình ảnh DN. Lĩnh vực dầu khí là ngành có đặc thù riêng. Nếu như trước kia chỉ những người quan tâm tới dầu khí mới biết đến PTSC thì nay, cùng với việc tham gia chương trình THQG nhiều người đã biết đến chúng tôi hơn. Theo tôi, trong quá trình hình thành và phát triển thương hiệu, DN cần được quan tâm tới công tác quản lý; đào tạo con người và phải có tinh thần sẵn sàng hội nhập, chấp nhận thách thức.
Cần những doanh nghiệp đầu tàu đủ tầm, đủ lực
Cần những doanh nghiệp đầu tàu đủ tầm, đủ lực

Việc xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu vừa là cấp bách, vừa là chiến lược. Khởi động từ năm 2008 theo quyết định của Chính phủ, chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) đã có những thành công bước đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN