Xã vùng I nhiều "không" ở Hòa An

Chỉ cách thành phố Cao Bằng chừng hơn 20 km, xã Hồng Nam, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, vẫn còn nhiều xóm không đường, không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại... Vậy mà, từ tháng 9/2013, Hồng Nam trở thành xã thuộc khu vực I và người dân nơi đây không được hưởng bất cứ chính sách hỗ trợ nào, dù đời sống còn nhiều khó khăn.


Xóm Lũng Cải là một trong 3 xóm đặc biệt khó khăn của xã Hồng Nam. Xóm này nằm trên đỉnh núi cao, bốn bề là núi đá vôi dựng đứng. Để lên được Lũng Cải, chúng tôi phải chống gậy, tay bám vách đá mà đi. Con đường vòng vèo, cheo leo và dựng đứng, để tới được Lũng Cải phải mất hơn 3 giờ leo núi. Hiện nay, xóm Lũng Cải có 13 hộ dân đều là dân tộc Dao, Mông, 100% thuộc diện hộ nghèo. 

Cô và trò ở Lũng Cải vẫn phải học trong những phòng học tạm.

Vì nằm trên đỉnh núi cao, Lũng Cải dường như cách biệt với các xóm còn lại. Do xóm không có đường, điện lưới quốc gia và sóng điện thoại, còn nước sinh hoạt phải lấy từ khe núi, nên sản xuất chỉ độc canh cây ngô, quanh năm người dân cũng chỉ biết ăn ngô. Đời sống của bà con chủ yếu là tự cung tự cấp, hầu như không có giao thương buôn bán với bên ngoài. Anh Trịnh Văn Tàn, người dân xóm Lũng Cải buồn bã cho biết: “Trước đây, xóm có hơn 30 hộ dân, nhưng do khó khăn quá, nên nhiều hộ đã bỏ đi nơi khác sinh sống”.

Tương tự, xóm Khây Tấu cũng là một trong những xóm đặc biệt khó khăn của xã Hồng Nam. Trong tổng số 38 hộ, có tới 10 hộ nghèo, các hộ sống thành nhiều chòm xóm nhỏ từ 3 - 5 hộ, mỗi chòm xóm cách nhau 2 - 3 km. Hiện khó khăn nhất đối với người dân nơi đây là nguồn nước tưới tiêu do chưa được đầu tư.

Gian nan đường lên Lũng Cải.

Trước đây, khi Hồng Nam còn là xã đặc biệt khó khăn, được thụ hưởng Chương trình 135, như: Hỗ trợ làm nhà văn hóa cho 6/7 xóm, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi cho 2 xóm, hỗ trợ giống, vốn cho các hộ nghèo phát triển sản xuất… Song đến nay, Hồng Nam vẫn là một xã thuần nông với diện mạo chênh lệch hẳn so với các xã cùng là xã vùng I khác của huyện Hòa An. Thiệt thòi nhất ở xã này là các em học sinh, do không gần trung tâm huyện Hòa An, cũng không gần thành phố, nên sau khi học hết THCS muốn học THPT, rất lúng túng trong việc tìm trường, tìm nơi trọ học. Đồng thời, do không còn là xã đặc biệt khó khăn nữa, các em cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ gạo dành cho học sinh bán trú.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Nam, Đoàn Ngọc Thùy, nghịch lý này là do việc áp dụng số liệu hộ nghèo và cận nghèo tại thời điểm xét duyệt thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III. Theo đó, xã có 18,6% tỷ lệ hộ nghèo và 10,03% hộ cận nghèo. So với tiêu chí để được công nhận là xã vùng III, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã phải từ 45% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo phải từ 20% trở lên. "Khi chuyển từ vùng III lên vùng I, cái khó khăn là điện, đường, trường, trạm chưa được đầu tư, công trình về bê tông hóa kênh mương nội đồng... ở nhiều xóm chưa được xây dựng", ông Đoàn Ngọc Thùy cho biết.

Dù xét theo tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo, xã Hồng Nam không thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng còn nhiều tiêu chí khác, số xóm có điện lưới quốc gia chỉ chiếm 71%; 100% hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; chưa có chợ, nhà văn hóa và trạm y tế xã chưa đạt chuẩn. Đặc biệt, xã hiện không có đủ phòng học cho lớp tiểu học hoặc lớp học thôn bản; hơn 90% lao động chưa qua đào tạo; gần 40% số hộ thiếu đất sản xuất, trong khi tỷ lệ hộ làm nghề phi nông nghiệp chỉ chiếm 0,34%. Với xuất phát điểm và sức mạnh nội tại như hiện nay, Hồng Nam làm sao phát triển tương xứng với vị trí là xã vùng I?


Bài và ảnh: Quân Trang
Người thầy giáo vùng núi đá Cao Bằng
Người thầy giáo vùng núi đá Cao Bằng

“Công việc nào cũng có cái khó, cái khổ riêng, nếu ai cũng chọn cho mình sự nhẹ nhàng, nhàn hạ, thì gian khổ sẽ dành cho ai”. Đó là những tâm sự rất thật của thầy giáo Hoàng Ngọc Hưng, trường tiểu học Quý Quân, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN