Mơ ước có điện thắp sángÔng Vàng Dỉ Lìn (75 tuổi) ở thôn Vả Thàng bên ngọn đèn dầu. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN |
Đến thôn Vả Thàng trong một ngày mưa hè, dù chỉ cách UBND xã Tung Chung Phố chưa đầy 4 km nhưng chúng tôi phải mất gần tiếng đồng hồ vật lộn với những đoạn đường đất trơn trượt, nhầy nhụa rồi tới đoạn đá lởm chởm, gồ ghề, dốc ngược lên đỉnh núi mới đến được nhà Trưởng thôn Thào Seo Pao.
Vả Thàng là một trong 3 thôn của xã Tung Chung Phố giáp biên giới Việt - Trung có 52 hộ, 249 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống.
Theo trưởng thôn Thào Seo Pao, Vả Thàng có có hai cái khó không thoát nổi nghèo đó là thiếu điện, thiếu nước. Bà con nơi đây lúc nào cũng chỉ ước mơ đến một ngày được xem ti vi, được ngồi hóng gió trước cây quạt điện, trẻ con học bài không phải cắm cúi trong ánh đèn dầu.
Chẳng phải vậy mà khi thấy chúng tôi được cán bộ xã dẫn đến những cây cột điện được chôn dưới đất nhưng chưa có điện để tìm hiểu, ai cũng tưởng cán bộ ngành điện, rồi khấp khởi dò la: “Bao giờ có điện thế các cô chú?”.
Khi mặt trời khuất núi, cả thôn Vả Thàng chìm trong bóng tối. Theo chân anh Pao trưởng thôn và Thào Seo Dế, công an viên ở thôn, chúng tôi bước vào căn nhà của vợ chồng ông Vàng Dỉ Lìn (75 tuổi) sinh sống.
Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông Lìn chẳng có gì đáng giá. Mái ngói phủ đầy rêu, tường được dựng bằng mấy tấm ván cũ, gió lồng lộng thốc vào. Ngồi trò chuyện, chúng tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ gương mặt ông Lìn được thắp sáng bằng áng sáng leo lét, chập chờn từ chiếc đèn dầu cũ kĩ.
Ông Lìn buồn rầu nói: “Tôi cũng đã sống quá nửa đời người, đối với tôi không có điện cũng đã trở thành thói quen nhưng điều khiến tôi lo nghĩ nhất đó là việc học hành vào buổi tối và tương lai của con cháu sau này, chẳng lẽ cứ sống trong cảnh tối tăm như thế này mãi? Thôn chúng tôi còn nhiều khó khăn lắm, nhưng khó nhất vẫn là thiếu điện...”.
Không có điện, mỗi khi trời tối mọi sinh hoạt của bà con thôn Vả Thàng đều phải dùng đèn dầu, đèn pin để soi. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN |
Mảnh đất Vả Thàng được người dân nơi đây ví như “Trường Sa cạn”. Bởi, quanh năm nước sinh hoạt còn không đủ dùng nói chi đến có nguồn nước để mua mô tơ về tự chế những máy phát điện nhỏ. Thiếu điện, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, cái nghèo cứ quẩn quanh bản làng từ năm này sang năm khác. Hiện, số hộ nghèo ở Vả Thàng chiếm 44 hộ, cận ngèo 6 hộ, duy nhất có 2 hộ thoát nghèo.
Trưởng thôn Vả Thàng - Thào Seo Pao trăn trở: “Nhiều năm qua bà con sống trong cảnh tối tăm nên bây giờ mong muốn nhà nước kéo điện lắm, không biết khi nào bà con trong thôn mới có điện sáng dùng đây? Một số người dân phải tìm đến các thôn lân cận đã có điện để sạc nhờ đèn pin,...
Mặc dù đã thấy dây điện được kéo về thôn, một số cột điện đã được mọc lên, nhưng sau nhiều ngày chúng vẫn nằm im ở đó, chúng tôi vẫn chẳng biết bao giờ mới có điện dùng. Tôi mong thời gian tới, ánh sáng sẽ về với Vả Thàng để chúng tôi có thêm động lực chiến thắng cái đói, cái nghèo đã đeo bám bà con vùng đất biên cương này từ hàng trăm năm qua”.
Chật vật kéo điện về thắp sáng Cách trung tâm thị trấn Mường Khương chỉ vài km, người dân thôn Dì Thàng cũng phải sống trong cảnh “thiếu điện” như thôn Vả Thàng. Dẫn chúng tôi đi hết một vòng thôn Dì Thàng, Trưởng thôn Thào Thị Liên cho biết, có những người sinh ra, lớn lên và chết đi mà chưa hề được biết đến thứ ánh sáng nào khác ngoài ánh đèn dầu.
Không điện mọi thứ tăm tối từ vật chất tới tinh thần. Lũ trẻ được nghỉ hè không sao chứ tới lúc đi học, tối ở nhà cắm mặt vào vở, “chữ tác đè chữ tộ”, bò loằng ngoằng như rắn. Quyết tâm đưa nguồn điện lưới quốc gia về sử dụng, năm 2012, hai ba hộ gia đình trong thôn đã góp tiền, ngày công để kéo điện về thắp sáng. Sau 2 ngày kéo dây, điện đã được kéo về từng nhà.
Tuy nhiên, do đường dây dài, tải trọng yếu nên mỗi gia đình cũng chỉ sử dụng được duy nhất một bóng thắp sáng. Ngoài ra, những cây cột điện chủ yếu chôn bằng gỗ, mùa mưa đến gió quật đổ tới 2-3 lần, hỏng đường điện mỗi hộ sửa chữa đến vài triệu đồng một lần, nguy hiểm nhất cột điện đổ, đứt dây gây nguy hiểm cho chính người dân nơi đây.
Chỉ tay về hướng chiếc ti vi đen trắng được kê trang trọng ở giữa nhà, anh Pờ Khái Hùng cho biết: “Mấy cái này mình mua về cũng chỉ để trưng bầy là chủ yếu thôi, chứ chưa sử dụng đến lần nào”.
Không có điện, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn lại càng trở nên vất vả, nhất là mỗi khi gia đình có công có việc lớn như ma chay, cưới hỏi... Những lúc này, bà con lại phải thuê máy phát điện về dùng, tính thêm chi phí tiền xăng dầu cũng tiêu tốn ngót ngét gần triệu đồng.
“Trong những lần tiếp xúc cử tri bà con nhân dân ở thôn cũng đã bày tỏ nguyện vọng tới các cấp, các ngành mong muốn có điện. Năm 2015, ngành điện huyện Mường Khương hứa với bà con là sẽ có điện đón tết. Nhưng tới tận thời điểm này, bà con nhân dân trong thôn đã trải qua hai cái tết cổ truyền nhưng điện về bản mới chỉ dừng ở lời nói. Năm ngoái chúng tôi mới thấy ì ạch nắp được cột điện, đường dây đến nay vẫn bặt vô âm tín, chưa biết bao giờ có điện cả”, anh Hùng nói.
Việc không có điện, vấn đề nan giải nhất là việc tiếp cận văn hoá thông tin. Chỉ cách trung tâm huyện vài km nhưng những gia đình ở đây cả đời chưa một lần được nghe đài, xem ti vi. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì càng xa vời đối với dân bản. Không có điện chiếu sáng dẫn đến việc mù thông tin văn hoá khiến cho cuộc sống của người dân thôn Dì Thàng đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Đường điện đã kéo về thôn Vả Thàng từ nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa có điện. Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN |
Toàn xã Tung Chung Phố có 10 thôn thì có 4 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn là chưa có điện. Cả xã có 510 hộ với 2.396 nhân khầu thì phần lớn là người dân tộc H’Mông và Pa Dí nên nhận thức người dân còn nhiều hạn chế. Đồng bào ở đây sống nhờ vào cây ngô, cây lúa, việc canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên nên tình trạng mất mùa thường xảy ra.
Số hộ nghèo tại xã tới thời điểm này vẫn chiếm trên 60%. Ông Vương Sử Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố thừa nhận: “Mỗi lần xuống các thôn nắm tình hình, nghe người dân phản ánh những khó khăn khi không có điện, tôi thấy cũng băn khoăn lắm. Những thôn này đã nghèo, đường đi lối lại còn gặp nhiều khó khăn cộng với thiếu điện, cuộc sống bà con khó càng thêm khó”.
Ông Vương Sử Ngọc cũng nhận định, việc sớm triển khai hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế cho bà con trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cùng với đó, nếu có điện qua các kênh thông tin đại chúng bà con sẽ tiếp nhận được thông tin về cơ chế chính sách của Nhà nước, học hỏi những kinh nghiệm phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế gia đình.
Có điện, việc tuyên truyền vận động bà con đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới tham gia xây dựng, bảo vệ đường biên, cốt mốc và chủ quyền, an ninh biên giới cũng thuận lợi hơn.