WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch hạch

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 24/11 cảnh báo đã có 47 người tử vong trong số 138 người nhiễm bệnh dịch hạch tại Madagascar kể từ đầu năm nay. Chính phủ nước này đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dịch.

Đã có 47 người tử vong vì bệnh dịch hạch tại Madagascar kể từ đầu năm nay. Ảnh: voanews.com.


Trong buổi tóm tắt tin thường nhật, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện ở 16 quận thuộc 7 vùng trong số 22 vùng của Madagascar. Thủ đô Antananarivo cũng có hai trường hợp nhiễm bệnh, trong đó, một người đang trong tình trạng nguy kịch. Dịch hạch bắt đầu xuất hiện ở Madagascar từ hồi tháng Tám vừa qua tại một ngôi làng ở nông thôn.

Với sự hỗ trợ của các đối tác, Chính phủ Madagascar đang tiến hành các biện phát nhằm kiểm soát dịch. Trong tháng qua, hơn 200 hộ gia đình đã được tẩy trùng. WHO cũng cho biết đã cung cấp các nguồn lực hỗ trợ về người và phương tiện bao gồm các thiết bị bảo vệ cá nhân, thuốc trừ sâu bọ, các dụng cụ xịt và các loại kháng sinh.

Tuy nhiên, giới chức địa phương cảnh báo tình hình đang trở nên nghiêm trọng do nguồn lây nhiễm bệnh chính là bọ chét đã phát triển cơ chế đề kháng với loại thuốc trừ bọ chuyên dùng. Trong khi đó dịch chủ yếu xuất hiện ở những khu nhà ổ chuột đông dân với điều kiện vệ sinh yếu kém.

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người do dịch hạch gây ra là trận dịch "Cái chết Đen" hồi thế kỷ 14 ở châu Âu, giết chết 25 triệu người, khoảng 1/3 số dân lục địa này thời đó. Theo WHO, hiện mỗi năm trên thế giới vẫn có khoảng từ 1.000 đến 2.000 ca nhiễm dịch hạch, tập trung ở các thị trấn nhỏ, hẻo lánh. Lần bùng phát dịch mới nhất là ở Peru, 4 năm trước.

Vi khuẩn gây dịch hạch lây lan chủ yếu do bọ chét sống ký sinh trên các loài gặm nhấm, trong đó chủ yếu ảnh hưởng đến chuột. Con người bị nhiễm bệnh khi bị những con vật mang bệnh cắn và biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh là nổi hạch, đây là thời kỳ bệnh toàn phát, trước đó người bệnh có thể thấy mệt mỏi, khó chịu nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sốt cao,...

Ở giai đoạn này, bệnh có thể chữa đơn giản bằng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển sang thể phổi sẽ trở nên nguy hiểm hơn và dễ lây sang người khác khi người bệnh ho.


TTXVN/Tin Tức




Ngăn ngừa bệnh dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam
Ngăn ngừa bệnh dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 tháng qua tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% là dịch hạch thể phổi), trong đó có 40 trường hợp tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN