Vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ dân tộc rất ít người - Bài 2: Hỗ trợ cái chưa cần

Trưởng bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên, Lò Văn Thắng cho biết: “Đầu năm 2014, gia đình tôi và 51 hộ dân tộc Cống khác ở bản được hỗ trợ mỗi nhà 1 cái radio, nhưng chẳng mấy khi dùng. Cấp trên cho thì nhận thôi. Suốt ngày làm ngoài nương rẫy để đủ cái ăn, muốn đem đài lên nương cũng không được vì không đủ tiền để mua pin”.

 

Khuôn mặt “trông chờ” của đồng bào Mảng.


Cấp máy thu thanh là một trong những nội dung hỗ trợ của đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ” nhằm nâng cao mức hưởng thụ về đời sống văn hóa tinh thần, kiến thức sản xuất và đời sống cho đồng bào. Mức hỗ trợ 200.000 đồng/máy. Dự kiến, Đề án sẽ cấp 3.434 máy thu thanh cho 2.804 hộ ở Lai Châu, 184 hộ ở Điện Biên và 446 hộ ở Hà Giang.


Tại Điện Biên, tính đến đầu năm 2014, tỉnh đã cấp phát 193 máy thu thanh cho tất cả các hộ dân tộc Cống trên địa bàn, “vượt chỉ tiêu 3 cái”.


Không những vậy, theo khẳng định của ông Tạ Đức Huỳnh, Phó ban Dân tộc tỉnh thì Điện Biên cũng đã chi 45 triệu đồng để xây dựng 3 chương trình truyền hình về dân tộc Cống (thuộc hạng mục hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần). Tuy nhiên, cả 3 chương trình này cũng đang phải lưu kho vì chưa thể sử dụng.


Trong khi trên thực tế, các địa phương đang cần phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy lùi nạn đói giáp hạt.


Điều đáng bàn là liệu việc hỗ trợ đài radio, xây dựng chương trình truyền hình có phát huy hiệu quả trong thực tế? Như đã phản ánh, tại bản Nậm Kè 1, cả 52 hộ dân tộc Cống ở đây đều được phát máy thu thanh, nhưng hầu như không sử dụng. Còn 3 chương trình truyền hình đã xây dựng thì ông Huỳnh khẳng định là đang lưu kho vì hạ tầng truyền dẫn chưa có.


“Hiện đồng bào dân tộc Cống rất cần được hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ mùa tháng 6, vụ lúa duy nhất của họ trong năm”, Trưởng bản Nậm Kè cho biết.

 

Nước sạch vẫn là khát khao của đồng bào Cống ở Điện Biên.


Chị Lò Thị Hơn, ở bản Nậm Kè 1, cho biết: “Nhà có 8 khẩu, nhưng chỉ có vài sào lúa nước bậc thang. Vụ mùa 2013 thu được 25 bao lúa (mỗi bao 30 kg). Đầu năm 2014, tôi tổ chức cưới vợ cho con nên đến nay phải lấy lúa giống để ăn. Đến vụ không biết lấy giống đâu mà gieo cấy”.


Cũng triển khai giải ngân vốn sự nghiệp theo đề án “Phát triển kinh tế - xã hội 4 dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ”, dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, nhưng UBND tỉnh Lai Châu đã có cách làm riêng của minh. Tỉnh đã có Văn bản 110/UBND - VX, ngày 6/2/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ tạm thời. Trong đó, nội dung hỗ trợ đài rađio, xây dựng chương trình truyền hình chưa thực hiện, mà tập trung hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn kiến thức cho người dân. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách đã tạm ứng vốn để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào Mảng, La Hủ, Cống sinh sống trên địa bàn tỉnh. Sau khi có hướng dẫn chi tiết của Trung ương sẽ tiến hành quyết toán theo quy định.

 

Bài và ảnh: Nhóm PV


Bài cuối: Linh hoạt khi triển khai chính sách

Vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ dân tộc rất ít người - Bài 1: Thiếu đói triền miên
Vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ dân tộc rất ít người - Bài 1: Thiếu đói triền miên

Đã 4 năm kể từ khi Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ... nhưng những địa phương nơi 4 dân tộc rất ít người này sinh sống vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN