Đã 4 năm kể từ khi Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao cư trú tại 86 thôn, bản của 27 xã của 3 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang, được phê duyệt, nhưng những địa phương nơi 4 dân tộc rất ít người này sinh sống vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, do những vướng mắc trong đầu tư, hỗ trợ.
Bài 1: Thiếu đói triền miên
Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cho biết: Đồng bào La Hủ ở Mường Tè vốn quen sống du canh, du cư, từ khi được Nhà nước hỗ trợ định canh, định cư, cuộc sống của đồng bào đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với các dân tộc khác, đồng bào La Hủ vẫn tiến chậm hơn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%, nhiều hộ thiếu đói đến 3 - 4 tháng/năm, thậm chí có nơi tới 5 - 6 tháng.
Mặc dù đã có đường ô tô vào tận xã, nhưng cuộc sống của đồng bào La Hủ vẫn khó khăn. Ảnh: Trọng Thuỷ |
Xã Bum Tở nằm cách trung tâm huyện Mường Tè chưa đầy một giờ xe máy, đường vào xã đã được rải nhựa, nhưng đời sống đồng bào La Hủ ở đây vẫn nghèo. “Xã có 9 bản, 666 hộ, thì có tới 591 hộ nghèo (chiếm trên 88%). Toàn xã chỉ có 60 ha lúa nước, 180 ha lúa nương, với chừng ấy nhân khẩu, chừng ấy diện tích sản xuất, năm nào chả thiếu đói ít nhất 3 - 4 tháng. Trong tháng 2/2014, xã cũng đã phải nhận 42.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt”, ông Vàng Lỳ Sơn, Chủ tịch UBND xã Bum Tở, chia sẻ.
Chúng tôi đến thăm nhà anh Phùng Phí Chừ, một người dân xã Bum Tở. Gọi là nhà, nhưng nơi ở của hai vợ chồng và hai đứa con chỉ là túp lều dựng tạm trên nương chưa đầy 5 m2, chỉ đủ kê một chiếc giường tạm bằng tre, với một góc bếp nấu ăn, trong nhà có vài bộ quần áo, ngoài ra chẳng có gì đáng giá. Vợ chồng Chừ lấy nhau đã 8 năm, nhưng vẫn không có một tấc đất sản xuất. Theo anh Chừ cho biết, hàng năm, nếu Nhà nước không cấp gạo cứu đói cho đôi ba lần, thì gia đình anh sẽ thiếu đói khoảng 5 - 6 tháng.
Hiện tỷ lệ đói nghèo vùng đồng bào dân tộc Mảng, Cống, Cờ Lao, La Hủ còn rất cao, cụ thể là dân tộc Mảng 79,8%, La Hủ 80,9%, Cờ Lao 74%, Cống 64,7%. |
Rời Bum Tở, chúng tôi đến với 25 hộ đồng bào Mảng ở bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè. Chúng tôi phải lặng đi khá lâu trước hình ảnh hàng chục em bé trần truồng đùa nghịch trên những đống đất, cát; những ngôi nhà toang hoác, xiêu vẹo. Đang vào mùa làm nương, nhưng hầu như nhà nào cũng có người ở nhà. Cũng chẳng ai làm gì, họ chỉ ngồi ở cửa nhà đờ đẫn nhìn ra ngoài.
Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, Bùi Thị Lập buồn rầu: “90% hộ trong bản thuộc diện đói nghèo, mỗi năm có 6 - 7 tháng phải ăn sắn, ăn ngô. Người dân nơi đây chưa có thói quen lao động, mà chỉ chờ hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn lương thực của cả bản chỉ trông chờ vào 4 ha lúa nước, vậy mà khi vận động gieo mạ, cấy lúa thì cả tháng vẫn chưa xong. Gieo cấy xong đồng bào cũng không chăm sóc”.
Trong khi đồng bào Cống ở Mường Nhé thiếu nước sạch sinh hoạt thì những công trình nước ở đây bị bỏ hoang.Ảnh: Trọng Thuỷ |
Cả bản Nậm Củm chỉ có điểm trường ở trung tâm bản là khang trang, với cấp tiểu học có 20 em, cấp mầm non có 20 em. Theo trưởng bản Lò Y Van, cả bản có 7 em học cấp 2 ở trường ngoài xã, nhưng chưa biết đi học tới lúc nào, vì nếu gia đình khó khăn là bố mẹ cho nghỉ học luôn.
Tình trạng thiếu đói, chậm phát triển cũng diễn ra tương tự tại bản Nậm Kè 1, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nơi có 52 hộ đồng bào Cống sinh sống. Dù chỉ cách trung tâm xã chưa đầy một cây số, nhưng đường vào bản chỉ là con đường mòn lởm chởm đá và bụi đỏ. Trưởng bản Lò Văn Thắng cho biết: “Nằm ở gần trung tâm huyện nên bản đã có điện, được phủ sóng điện thoại, nhưng thu nhập bình quân chỉ 100.000 đồng/người/tháng. Thiếu đất sản xuất, ruộng nương lại phân tán nhỏ lẻ, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ, nên nếu được mùa cũng chỉ đủ ăn 5 tháng/năm, những tháng còn lại phải trông chờ vào trợ cấp lương thực của Nhà nước hoặc lên rừng mưu sinh qua ngày”.
Vụ mùa 2014, cả bản có khoảng 33 ha lúa nước, tính bình quân mỗi hộ có 0,5 ha, nhưng do thiếu nước sản xuất, nên chỉ đạt khoảng 3,6 tấn/ha. Ông Lò Văn Vanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Kè thở dài: “Vào khoảng tháng 7 trở đi, lúa trổ bông mà thiếu nước thì năng suất giảm mạnh, thậm chí mất trắng. Năm 2006, xã được phân bổ vốn đầu tư xây dựng 1,5 km kênh mương, dẫn nước từ khe Huổi Thanh về tưới tiêu cho diện tích lúa của bản Nậm Kè 1, nhưng khoảng 2 năm gần đây, hệ thống kênh mương này bị hư hỏng, không dùng được. Xã đã đề xuất xin kinh phí sửa chữa, nhưng chỉ tiêu phân bổ năm 2014 của huyện không có hạng mục sửa chữa công trình thủy lợi ở Nậm Kè 1”.
Nhóm PV
Bài 2: Hỗ trợ cái chưa cần