Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN

Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ được thể hiện qua sự tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trong những năm qua. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đây là phát biểu của Đại sứ Singapore tại Pháp Zainal Arif Mantaha trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris nhân sự kiện “Ngày Gia đình ASEAN” được tổ chức ngày 29/7 tại công viên thể thao của thành phố Croissy-sur-Seine, ngoại ô phía tây Paris.

Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ được thể hiện qua sự tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trong những năm qua. Ảnh: TTXVN

Theo ông Zainal Arif Mantaha, Việt Nam đã đạt tăng trưởng cao trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong những lĩnh vực mới như kinh tế kỹ thuật số. Ông thực sự ấn tượng về những nỗ lực to lớn và đóng góp tích cực của Việt Nam vào quá trình xây dựng và tăng cường hợp tác của ASEAN. Thời gian qua, Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của hiệp hội. Ông mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn nữa vào sự phát triển của cả khối trong tương lai.

Về chặng đường đã qua của ASEAN kể từ ngày thành lập, ông cho rằng trong 50 năm qua, ASEAN đã đóng góp đáng kể vào sự ổn định và hòa dịu trong khu vực, thúc đẩy sự hợp tác của cả khu vực Đông Nam Á, đồng thời đưa cơ chế tham vấn, đối thoại trở thành một phương thức hoạt động không chỉ giữa 10 nước ASEAN với nhau mà còn giữa Hiệp hội và các tổ chức quốc tế. ASEAN cũng đã thiết lập các quan hệ đi vào thực chất với các tổ chức quốc tế và đối tác quan trọng.

Cũng trong thời gian đó, ASEAN đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia thành viên. Môi trường đó đã giúp các nước làm giàu cho chính mình và tích lũy thêm kinh nghiệm trên cơ sở tận dụng sự đa dạng kinh tế-xã hội của toàn khối.

Về những việc cần phải làm trong thời gian tới, ông cho rằng những gì ASEAN đã làm trong 50 năm qua là những thành tựu mang tính nền tảng. Chính nền tảng này sẽ giúp ASEAN tăng cường hợp tác và tiếp tục phát triển trong tương lai. Ông vui mừng trước sự lớn mạnh của ASEAN, đặc biệt là sự hình thành một cộng đồng thống nhất vào năm 2015, dựa trên 3 trụ cột chính là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Về những khác biệt về quan điểm giữa các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông, Đại sứ Mantaha cho rằng ASEAN trong tổng thể của mình là một khu vực chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề trên Biển Đông, nhìn dưới góc độ địa lý. Mặc dù không phải tất cả các nước ASEAN đều có chung quan điểm về các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này, song các nước ASEAN đều thống nhất rằng các khác biệt cần phải được giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và bằng các biện pháp hòa bình.

Ông khẳng định rằng các nước ASEAN luôn tin tưởng vào Công ước Liên hợp quốc về luật Biển và các quy định khung của hiệp hội. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hòa bình các phương tiện vận tải đường biển tại Đông Nam Á, khu vực được coi là một trong những huyết mạch của giao thông hàng hải quốc tế. Ông cũng tin rằng các nước ASEAN sẽ làm mọi cách để thực hiện cam kết đảm bảo sự ổn định và hòa bình trong khu vực.

TTXVN/Tin Tức
Kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi
Kinh tế Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, được kết nối qua cầu truyền hình với Việt Nam vào ngày 13/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN