Ukraine: Nhen nhóm hy vọng đàm phán

Trong bối cảnh leo thang xung đột ở miền Đông - Nam Ukraine, quay trở lại bàn đàm phán có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất với các bên liên quan, giúp quốc gia Đông Âu này tránh rơi vào một cuộc nội chiến.


Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Đức...


Đáp lại đề nghị của Đức về tiến hành một vòng đối thoại mới bàn về tình hình Ukraine, Hội đồng Xã hội dân sự và Nhân quyền cho Tổng thống Nga ngày 5/5 ra thông báo cho biết, cơ quan này sẵn sàng trở thành đối tác của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tổ chức các cuộc hội đàm giữa các bên có liên quan.

Xe thiết giáp của lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở Slavyansk ngày 5/5. Ảnh: Reuters


Trước đó ít giờ, Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier đã lên tiếng kêu gọi tổ chức Hội nghị Geneva 2 bàn về Ukraine. Ông Steinmeier cho biết đã có các cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đại diện OSCE để thúc đẩy một vòng thảo luận mới, sau khi Thỏa thuận hôm 17/4 không được các bên tuân thủ nghiêm túc.


Ngay trong ngày hôm qua, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki - moon đã đề xuất đứng ra làm trung gian cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Trên thực địa, dù còn xảy ra giao tranh ác liệt ở Slavyansk, nhưng cũng đã xuất hiện các diễn biến tích cực. 67 nhà hoạt động ủng hộ liên bang hóa bị bắt giữ hôm 2/5 ở Odessa đã được thả tự do. Phát biểu tại Odessa, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk cam kết sẽ thực hiện cải cách Hiến pháp, hướng đến tăng quyền cho các khu vực miền Đông - Nam; đảm bảo tính hợp pháp của tiếng Nga cũng như ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.
... phù hợp với cả Ukraine, Nga và EU?


Giới phân tích nhận định, quay trở lại bàn đàm phán là giải pháp phù hợp với các bên liên quan. Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksander Turchinov thừa nhận tình hình tại Donetsk và Lugansk khác rất nhiều với các khu vực khác của Ukraine và chính quyền khó có thể giành được quyền kiểm soát tại những vùng này. Người dân nơi đây đa phần đều ủng hộ liên bang hóa và lực lượng bảo vệ pháp luật ở hai khu vực cũng đều "có thiện cảm" với những người biểu tình. Điều này khiến cho các chiến dịch trấn áp gặp nhiều khó khăn, không khéo sẽ đẩy đất nước đến nguy cơ nội chiến, chia cắt. Với Nga, việc buộc phải can thiệp, kể cả bằng vũ lực, để bảo vệ công dân Nga, cộng đồng nói tiếng Nga ở miền Đông - Nam Ukraine là việc “cực chẳng đã”, vì lún sâu vào khủng hoảng sẽ đẩy Moskva đối mặt với những sức ép từ bên ngoài, kéo theo các khó khăn kinh tế - xã hội trong nước. Một Ukraine “tan chảy” cũng sẽ không mang lại lợi ích gì cho EU, đặt trong bối cảnh liên minh này còn có nhiều ràng buộc với Nga về mặt kinh tế.


Đánh giá về tiến trình này, Michael Emerson, cựu Đại sứ EU tại Moskva nhận định: Các nhà lãnh đạo chính trị giờ phải quyết định tìm ra cách thức chấm dứt tình cảnh người Ukraine bắn giết lẫn nhau, khi mà mâu thuẫn chính trị đã vượt tầm kiểm soát. Theo ông, Thỏa thuận Geneva đã đề ra các điều khoản rất hứa hẹn. Nó vẫn phải là công cụ nền tảng, chỉ có điều lần này phải đi vào thực chất, với một cơ chế thực thi, giám sát có sự hiện diện của cả Nga, Ukraine và EU.


Hoài Thanh

Thêm một trực thăng Ukraine bị bắn rơi
Thêm một trực thăng Ukraine bị bắn rơi

Một máy bay trực thăng quân sự của quân đội Ukraine đã bị bắn rơi gần thành phố miền Đông Slaviansk do lực lượng biểu tình kiểm soát nhưng các phi công đã thoát chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN