Ukraine áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc

Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov ngày 1/5 đã ban hành một sắc lệnh áp dụng trở lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc có hiệu lực tức thì để đối phó với các hoạt động nổi dậy đang lan rộng ở miền đông.


Một tuyên bố của văn phòng ông Turchynov nêu rõ biện pháp này được đưa ra “do tình hình ngày một xấu đi ở miền đông và miền nam”. Lực lượng biểu tình ngày càng lớn mạnh và hành động chiếm giữ các tòa nhà công quyền đang đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ.


Hiện lực lượng vũ trang Ukraine có 130.000 quân nhân và với lực lượng dự bị, con số này có thể tăng lên đến khoảng 1 triệu.


Ukraine hiện có 130.000 quân.


Trước đó, Ukraine đã bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam thanh niên, theo một đạo luật do Tổng thống Viktor Yanukovych đưa ra năm 2013.


Một nguồn tin cùng ngày 1/5 cho biết Ukraine muốn trở thành một đối tác chính của NATO trong việc vận chuyển binh lính khỏi Afghanistan.


Thông tin này nằm trong một bức thư trao đổi bí mật của đại diện Ukraine tại NATO, Tướng Anatoly Petrenko và bị nhóm tin tặc Cyber-Berkut đọc được. Bức thư nêu rõ NATO đang gặp khó khăn về vấn đề các tuyến vận chuyển và Bộ Quốc phòng Ukraine đã đề nghị cung cấp cơ sở hạ tầng của nước này cho việc vận chuyển binh lính Mỹ.


Bức thư còn nói tới việc Mỹ đã mất khả năng sử dụng sân bay Manas ở Kyrgyzstan. Ngoài ra, hoạt động không kích thường xuyên của máy bay không người lái ở Pakistan đã dẫn đến những cuộc tấn công quân sự trả đũa của lực lượng Hồi giáo cực đoan, hậu quả là nhiều tuyến đường vận chuyển hàng hóa quân sự phía Nam của NATO gần như bị phong tỏa.

Trong một diễn biến liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow tuyên bố liên minh do Mỹ đứng đầu này bắt đầu coi Nga là một kẻ thù hơn là một đối tác.


Phát biểu trước các phóng viên, ông Vershbow nói rằng điều này đánh dấu một bước ngoặt trong nhiều thập kỷ nỗ lực của NATO nhằm đưa Moskva xích lại gần liên minh này.


Trong khi đó, hãng tin Itar-Tass cho biết Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga muốn đưa vào chương trình nghị sự đàm phán với Ukraine về đề xuất đổi tiền khí đốt Kiev nợ Moskva lấy việc sở hữu các doanh nghiệp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng nước này. Đề xuất này đã được Phó Chủ tịch Ủy ban ngân sách và thuế của Duma Quốc gia, bà Oksana Dmitrieva trình lên chính phủ.


Theo bà Dmitrieva, một đề xuất như vậy sẽ có lợi cho cả hai. Hiện hợp tác kỹ thuật quân sự giữa 2 nước trên thực tế đã tạm ngừng. Bà nói: "Với Nga, điều này đảm bảo hoạt động sản xuất và cung cấp, tiết kiệm ngân sách, còn với Ukraine không chỉ là việc trả xong nợ - trong các điều kiện đó sẽ có thể tiến hành đàm phán về việc giảm giá cho nguồn cung trong tương lai". Ngoài ra, Kiev sẽ có thể đảm bảo chỗ làm cho công nhân, sản lượng và nguồn thu thuế.


TN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN