Hòa trong không khí đầu xuân ấm áp, đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các xã Ngọc Đường, Phương Tiến, Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đã tưng bừng mở hội Lồng Tồng trong hai ngày 4 và 5/2 ( tức 5 và 6 Tết). Màn hát Then đặc trưng của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang ngày 21/2/2013 trong Lễ hội Lồng Tồng. Ảnh: Cường Hằng - TTXVN |
Lễ hội Lồng Tồng, theo tiếng Tày - Nùng có nghĩa là lễ hội "xuống đồng". Đây là một lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào vùng cao, được tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng nhằm tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên và cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Chính vì vậy, ngay từ sáng sớm đồng bào các dân tộc các xã đã đến rất đông để tham gia lễ hội.
Vào ngày hội, tất cả các gia đình trong bản đều tham gia làm lễ. Nhà nào cũng có mâm cúng, gà luộc, bánh chưng, thịt lợn, trứng luộc nhuộm phẩm màu, xôi đỏ, xôi vàng tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng, cho âm dương.
Khi mặt trời lên, trống hội giục, các gia đình lần lượt đội mâm cúng ra thửa ruộng lớn nhất trên cánh đồng của bản mường để chuẩn bị cho nghi thức cầu mùa.
Mâm cúng được xếp theo hàng, trên cùng là mâm của thầy Mo - người được kính trọng nhất và cũng là người giữ vai trò chủ trì các nghi lễ trong ngày hội. Người làm lễ đứng vòng quanh mâm cúng, khi hương thắp, thầy Mo đọc lời khấn và bắt đầu những nghi thức cầu cúng như tạ lễ thần Nông, Thiên địa, Sơn Thần, Thủy thần… những vị thần được cho là có sự tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của cư dân trong cộng đồng Tày - Nùng, Dao, cầu cho được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt sinh sôi nẩy lộc, bản làng yên ấm.
Sau phần lễ là phần hội với những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát Then, hát Cọi của các chàng trai, cô gái đến từ các thôn trong xã và không thể không kể đến phần tung còn diễn ra nhộn nhịp trên mảnh ruộng lớn. Đây là trung tâm của lễ hội. Những quả còn nhỏ xinh với nhiều tua rua có màu sắc sặc sỡ được tung lên trời hướng tới tâm của vòng tròn được dán giấy hồng 2 mặt uốn trên đỉnh cây mai cao khoảng 25 m dựng giữa mảnh ruộng.
Đông đảo thanh niên trai gái đua nhau so tài khéo léo. Ai ném quả còn lọt qua được vòng tròn sẽ là người thắng cuộc và may mắn nhất trong năm. Vòng tròn được ném thủng cũng có nghĩa là mang lại một năm mới đủ đầy, no ấm và hạnh phúc cho tất cả người dân trong bản. Ngoài ra, lễ hội còn có nhiều trò chơi khác như: Thi cày ruộng, kéo co, đẩy gậy…
Đỗ Bình