Tu bổ đê kè trước mùa mưa bão

Việc xử lý những hành vi vi phạm Luật Đê điều và duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều đang được ngành nông nghiệp các địa phương rốt ráo triển khai để chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão đang đến rất gần.



Nhiều tuyến đê bị xâm hại


Trước mùa mưa bão năm nay, Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Tổng Cục thủy lợi - Bộ NN&PTNT) đã hướng dẫn và cùng các địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, xác định các các tuyến xung yếu; từ đó, đưa ra các tình huống có thể xảy ra để xây dựng phương án hộ đê, đảm bảo an toàn trong phòng, chống lũ.

Bờ kè chắn sóng đang được gia cố tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu


Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, mặc dù đã cận kề mùa mưa bão nhưng các hành vi vi phạm đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê tại thành phố vẫn có xu hướng gia tăng. Trong tháng 4, toàn thành phố đã có thêm 27 vụ vi phạm Luật Đê điều so với tháng 3. Đặc biệt, trong đó có các trường hợp xây dựng nhà cấp 4 trong hành lang bảo vệ đê ở các huyện Ứng Hòa, Phúc Thọ, Phú Xuyên. Bên cạnh đó, còn có nhiều hành vi vi phạm khác ảnh hưởng đến sự an toàn đê điều và việc tiêu thoát lũ, như: đổ trộm phế thải trên mái đê, mặt đê; trồng cây trên mái đê; xe quá tải trọng đi trên đê; tập kết vật liệu xây dựng với khối lượng lớn...


Trước yêu cầu của Bộ NN&PTNT về việc phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này, trong tháng 4, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã lập biên bản nhiều vụ vi phạm, đồng thời đề nghị chính quyền xử lý thích đáng. Cụ thể, có 16 vụ vi phạm về xây nhà cấp 4 và nhà tạm, 5 vụ làm móng nhà, 2 trường hợp dựng lều quán sai quy định... đã bị xử lý.


Tại Bắc Giang, cơ quan chức năng cũng phát hiện một loạt các hành vi xâm hại đê điều tại huyện Việt Yên. Cụ thể, qua kiểm tra, huyện Việt Yên đã phát hiện 85 trường hợp vi phạm Luật Đê điều, trong đó có 75 trường hợp đã bị xử lý.


Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Diệu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW - việc quản lý đầu tư, nâng cấp hệ thống đê điều kết hợp giao thông ở một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ chưa có sự chỉ đạo thống nhất, chưa tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn đồng đều cho toàn tuyến. Cụ thể, một số tuyến đê ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên đang mở rộng mặt cắt ngang theo quy mô lớn để phục vụ nhu cầu giao thông. Trong khi đó, các tuyến đê trọng điểm của Hà Nội có kết nối với tuyến đê của các tỉnh trên vẫn giữ nguyên. Cách làm này khiến các tuyến đê của Hà Nội có nguy cơ kém an toàn hơn khi gặp lũ cao.


Ông Diệu cũng cho biết thêm, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép ở lòng, bãi sông diễn ra ở nhiều địa phương đang làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình bảo vệ bờ, làm giảm khả năng thoát lũ trên các sông...


Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TW, bên cạnh việc kiểm tra, rà soát và kịp thời tu sửa bảo đảm an toàn các công trình đê điều, các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm an toàn đê điều, thoát lũ.


Bổ sung kinh phí tu sửa đê


Theo lãnh đạo Tổng Cục Thủy lợi, tổng hợp mới nhất, chỉ tính riêng 2.500 km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt ở hai khu vực là Bắc bộ và bắc Trung bộ vẫn còn tồn tại 54 điểm xung yếu về đê điều cấp tỉnh và nhiều trọng điểm xung yếu cấp huyện. Để xử lý triệt để các điểm xung yếu này, các địa phương cần một nguồn kinh phí rất lớn và thời gian dài.


Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên công tác tu bổ và nâng cấp hệ thống đê điều hàng năm mới chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện các dự án đầu tư tu bổ đê điều theo hướng tập trung ưu tiên gia cố những nơi xung yếu, trọng điểm.


Năm 2013, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt kế hoạch tu bổ đê điều với tổng kinh phí khoảng 420 tỷ đồng và đến nay đã bố trí được 300 tỷ đồng. Cục đã tham mưu trình Bộ hoàn thành các thủ tục để các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành việc tu bổ đê trước mùa lũ, bão năm nay. Tuy nhiên, kinh phí này mới chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu của các địa phương. Vì thế, Bộ đã đề nghị Chính phủ cấp bổ sung kinh phí khoảng 120 tỷ đồng để các địa phương có đủ kinh phí nâng cấp, tu sửa các tuyến đê.


Mạnh Minh - Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN