Trung Quốc xây hầm đường sắt xuyên núi Everest

Truyền thông Trung Quốc ngày 9/4 cho hay nước này đang xem xét xây dựng một tuyến đường sắt giữa Trung Quốc và Nepal, có thể bao gồm một đường hầm dưới núi Everest, trong bối cảnh Bắc Kinh đang xây dựng các mối liên kết với Nepal, quốc gia mà Ấn Độ cho là nằm vững chắc trong phạm vi ảnh hưởng của nước này.

Tờ Trung Hoa Nhật Báo dẫn lời ông Wang Mengshu, chuyên gia đường hầm và đường sắt của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng vốn đã nối phần còn lại của Trung Quốc với thủ phủ Lhasa của Tây Tạng và xa hơn nữa. Ngoài ra, phần mở rộng của tuyến này chạy tới đường biên giới quốc tế đã được lên kế hoạch “theo yêu cầu của Nepal”. Theo một quan chức Tây Tạng, tuyến đường sắt mới dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Ngọn Everest dưới ánh mặt trời.


Tháng 12/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm thủ đô Kathmandu, Nepal. Theo nguồn tin từ Nepal, ông Vương Nghị cho biết tuyến đường sắt sẽ mở rộng tới thủ đô Nepal và xa hơn nữa, có khả năng cung cấp một sự kết nối quan trọng giữa Trung Quốc và các thị trường rộng lớn của Ấn Độ.

Ông Wang Mengshu nói: “Tuyến đường sắt này có thể phải đi xuyên núi Qomolangma  (Everest theo tiếng Tây Tạng), vì vậy các công nhân phải đào một số đường hầm rất dài”. Ông Mengshu cho hay do địa hình hiểm trở của dãy Himalaya cùng những thay đổi “rõ rệt” về độ cao, những đoàn tàu chạy trên bất cứ tuyến đường sắt nào tới Kathmandu có thể phải có vận tốc tối đa là 120km/h.

Bản đề xuất xây dựng tuyến đường sắt của Trung Quốc nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với quốc gia nghèo khó ở dãy Himalaya, nơi Bắc Kinh đã nhiều năm xây dựng đường giao thông và đầu tư hàng tỷ USD vào thủy điện và viễn thông. Du lịch từ Trung Quốc tới Nepal, ngôi nhà của 8 trong số 14 đỉnh núi cao trên 8.000m của thế giới, cũng đang phát triển.

Vai trò ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đã nâng mức báo động ở New Delhi rằng Trung Quốc, vốn đã liên minh chặt chẽ với Pakistan, đang tiến tới thắt chặt quan hệ kinh tế với Sri Lanka, Maldives và Nepal hơn với chiến lược có chủ ý để bao vây Ấn Độ. Trong một động thái phản hồi rõ ràng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cuối năm ngoái đã cam kết rằng nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á sẽ cấp tài chính đầu tư hàng loạt và giải phóng thị trường cho các nhà xuất khẩu của các nước láng giềng. Tuy nhiên, Ấn Độ đã phải vật lộn để cạnh tranh với khả năng tài chính của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc lên kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt ở Tây Tạng cũng đã vấp phải chỉ trích của các tổ chức nhân quyền. Chiến dịch quốc tế vì Tây Tạng (ICT) đã cảnh báo dự án xây đường sắt của Bắc Kinh là “tác động nguy hiểm đối với an ninh khu vực và hệ sinh thái mỏng manh của cao nguyên cao nhất và lớn nhất thế giới”. Trong khi đó, Chủ tịch ICT Matteo Mecacci đã phát biểu hồi năm ngoái: “Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc rằng mở rộng đường sắt trên cao nguyên chỉ đơn giản là mang lại lợi ích du lịch và giúp người dân Tây Tạng giảm đói nghèo không được xem xét kỹ lưỡng và không thể chỉ nhìn bề ngoài”.


H.Nhân
(Theo The Guardian)

Trung Quốc sắp xây đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Moskva?
Trung Quốc sắp xây đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Moskva?

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Bắc Kinh - Moskva, dài hơn 7.000 km và đi qua 3 nước Trung Quốc, Kazakhstan và Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN