Khi hoa riêng klung nở khắp vùng, khoảng từ tháng 3 - 5 Âm lịch, người Cadong lại tổ chức Lễ ăn trâu. Theo tư duy nông nghiệp, Lễ ăn trâu thể hiện triết lý sống hướng về tương lai mới mẻ và tốt đẹp hơn. Tin Tức Cuối Tuần trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh về triết lý bên cột ăn trâu này.
Đánh cồng chiêng trong lễ đâm trâu. |
Chiếc cột ăn trâu của người Cadong cũng như của các dân tộc Tây Nguyên… có điểm gì chung nhau không, thưa Giáo sư?
Trong huyền thoại của nhiều dân tộc trên thế giới, xưa kia trời và đất, người và thần linh ở gần nhau lắm, có thể qua lại dễ dàng, sau bầu trời ngày một dâng cao, cắt đứt mọi con đường qua lại, chỉ duy nhất có một con đường thông quan, đó là cây thần. Đây chính là “cây vũ trụ”.
Cột ăn trâu của các dân tộc Tây Nguyên, Cây pồn pong trong Lễ hội năm mới của người Mường, cây nêu ngày Tết của người Việt, Lăk mường (cột mường) của người Thái… từ ý nghĩa nguyên sơ của nó đều là các dạng thức khác nhau của “cây vũ trụ”.
Cây vũ trụ - cột ăn trâu cắm sâu xuống đất, ngọn vút lên trời, cao tới 15-18m, nối liền thế giói âm và dương, thế giới hữu hình và vô hình, thế giới con người và thần linh. Đó còn là thế giới của tư duy nghệ thuật của người Cadong, ở đó thông qua những hình trang trí bằng hoa lá, các nét hoa văn mang đậm sắc thái dân tộc, các hình tượng chim thần biểu trưng cho thế giới bên trên, thần linh, hình tượng các con vật của đời sống thường ngày: ếch, gà rừng, chim pơling… Ở đó người Cadong mặc sức tưởng tượng, nào là vung ving là chiếc giường của thần Trook nằm, nào là chim hang để thần Trook cưỡi, nào là tầng chu úc, nơi thần Trook tiếp khách thần… Đây đúng là một thế giới sinh động với màu sắc, đường nét, âm thanh!
Và khi hiến trâu cho thần linh, người Cadong gửi gắm tâm tình gì với với con trâu đó, thưa Giáo sư?
Trước khi hiến trâu cho thần linh, con người bày tỏ chân thành sự tiếc thương, “chuyện trò” với trâu bằng bài hát khóc, những người trong gia đình, cộng đồng thực hiện nghi lễ chui qua đuôi trâu, chui qua vòng buộc cổ trâu với ý nghĩa trâu đã thay cho con người hiến tế cho thần linh, cho trâu ăn ngọn cỏ cuối cùng…
Các nhà nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện ra rằng, việc dùng trâu thay cho nghi lễ hiến tế người là một bước biến đổi mang đầy tính nhân đạo. Sau này, ở các dân tộc phát triển, người ta dùng hình nhân để thay thế trong các nghi lễ cúng giải hạn, đó cũng là sự biến tướng của tục hiến sinh.
Chúng ta đã bao giờ tự hỏi, con người của xã hội “nguyên thủy” đã thiết lập nên mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, đặc biệt là thiêng hóa tự nhiên để bảo vệ tự nhiên như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống đang bị hủy hoại như ngày nay?
Cách sống của người Cadong cổ truyền không chỉ hướng tới sự hòa hợp với thiên nhiên, với thần linh mà còn hòa hợp giữa cá thể, cá nhân với cộng đồng. Theo chỉ dẫn của người Cadong, có những cuộc hiến sinh trâu là của cộng đồng, nhưng cũng không ít những nghi lễ ăn trâu là của các gia đình trong làng. Có thể nghi thức có khác nhau đôi chút, nhưng những cuộc ăn trâu mà tôi tham dự hồi đầu năm thì đều thấm nhuần tính cộng đồng rất sâu sắc.
Thưa Giáo sư, tính cộng đồng được thể hiện trong Lễ ăn trâu như thế nào?
Những người am hiểu phong tục Cadong nói với tôi rằng, thường khi trong làng có dịch bệnh, mùa màng thất bát, thì người già nghĩ rằng do thần linh quở phạt. Cũng có khi, làng di chuyển đến một địa điểm mới hay xưa kia làng chiến thắng một kẻ thù nào đó, thì đều tổ chức lễ mừng ăn trâu. Trâu, lợn, gà, gạo… do các gia đình đóng góp, còn chủ lễ là ông Pơdâu (thầy cúng) có uy tín nhất đứng ra làm chủ lễ.
Còn ăn trâu của từng gia đình thường là sự thực hiện lời hẹn ước của con người với thần linh, rằng thần Trook và các vị thần khác đã phù hộ đem lại ấm no, mạnh khỏe cho toàn gia đình. Đây cũng là dịp gia đình thể hiện với cộng đồng sự sung túc, giầu có của gia đình, tạo thêm uy tín của gia đình mình trước cộng đồng.
Dù là nghi lễ ăn trâu của gia đình hay cộng đồng thì mỗi dịp ăn trâu cũng đều trở thành sinh hoạt cộng đồng. Tính cộng đồng thể hiện từ việc đóng góp vật phẩm, công sức để chuẩn bị cho nghi lễ, mà những công việc như vậy có khi kéo dài hàng năm.
Đỉnh cao của nghi lễ diễn ra khi các “chiến binh” Cadong tay cầm lao hạ sát con trâu hiến sinh cho thần. Hàng trăm người trong làng cũng như từ các làng khác tới tham gia, reo hò dõi theo động tác của những người thực hiện nghi lễ. Trước hay sau khi hạ sát trâu, các vòng múa theo chiều ngược kim đồng hồ, cứ theo nhịp chiêng trống diễn ra thâu đêm suốt sáng. Cuối cùng là bữa ăn chung mang tính cộng đồng, mọi người vừa ăn, uống rượu cần, đánh chiêng, múa hát các bài dân ca, tạo nên một không khí chan hòa, hồ hởi, thắt chặt mối dây liên kết.
Vậy, nếu nói ngắn gọn thì triết lý sống bên cột ăn trâu của người Cadong là gì, thưa Giáo sư?
Lễ thức của bất cứ dân tộc nào cũng là sự liên kết của một chuỗi các hành động, hành động đó có thể diễn ra trong một quá trình chuẩn bị hàng năm, hàng tháng, nhưng tập trung hơn cả là 2-3 ngày lễ hội. Lễ ăn trâu của người Cadong cứ nén dần, nén dần qua ngày tháng và tới lúc nó “nổ bùng” một cách mạnh mẽ, dũng mãnh bên cột ăn trâu. Đó là thời khắc con người hòa hợp với thiên nhiên, hòa hợp thần linh, hòa hợp giữa con người và con người, một cuộc đại hòa hợp để tạo nên sức sống và cũng là sức mạnh của người Cadong.
Đó cũng chính là lẽ sống, triết lý sống bên cột ăn trâu.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Kiều Trinh (thực hiện)