Trị tận gốc “bệnh” quá tải bệnh viện - Bài 2

Rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến y tế


Sự chênh lệch trong đầu tư giữa hệ thống bệnh viện và trạm y tế lâu nay đã tạo khoảng cách lớn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cũng như niềm tin của người bệnh với các trạm y tế (TYT)


Tăng đầu tư nguồn lực


Chia sẻ về những khó khăn tại tuyến y tế cơ sở (YTCS) nói chung và các trạm y tế (TYT) nói riêng, BS Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: “Mười mấy năm rồi, chưa có dự án đầu tư lớn nào cho tuyến cơ sở; trong khi đó, hệ thống BV thì được đầu tư rất nhiều. Hiện nay, YTCS gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Mà nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày một cao nên đương nhiên họ sẽ dồn lên các BV tuyến trên”.


Có cơ ngơi bề thế nhưng BV huyện Na Hang (Tuyên Quang) vẫn vắng bệnh nhân vì thiếu bác sĩ trầm trọng.


Đồng tình với quan điểm này, bà Trịnh Thị Lý, PGĐ Sở Y tế Hải Phòng chia sẻ: “Thời gian qua, các BV được trang bị rất hiện đại nhưng việc đầu tư cho các TYT rất “yên ắng” nên đã tạo khoảng cách không nhỏ. Do đó, thời gian tới, cần có những chính sách phù hợp để rút ngắn khoảng cách này”.


Cũng theo bà Trịnh Thị Lý, hiện nay, hệ thống TYT chưa có một thiết kế chung; có những trạm xây dựng hoành tráng rất lãng phí. Đội ngũ cán bộ vừa yếu vừa thiếu. Bà Lý chia sẻ: Dù là một trong những thành phố lớn, nhưng tới 90% cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã của Hải Phòng từ lúc ra trường tới lúc về hưu không dược đào tạo lại. Sổ sách mà các y, BS tại TYT phải kê khai quá nhiều, tới 100 quyển sổ, nên có cán bộ về TYT chỉ làm sổ sách.


Thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại hiện nay của hệ thống YTCS, một đại điện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế thừa nhận: Thời gian qua, YTCS chưa được ưu tiên phân bổ nguồn lực thỏa đáng. Nhiều địa phương chưa chủ động huy động nguồn lực cho YTCS, còn trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ TƯ. Bên cạnh đó, mô hình quản lý TYT chưa thống nhất, có nơi do trung tâm y tế huyện quản lý, có nơi lại do Phòng y tế huyện quản lý.


Cũng theo đại diện này, còn một bất cập nữa là đến nay, TYT vẫn chưa có tư cách pháp nhân, chưa có con dấu, không có tài khoản nên không được trực tiếp ký hợp đồng BHYT. Đặc biệt, hiện chưa có sự phân định về chức năng, nhiệm vụ và định hướng đầu tư YTCS giữa các vùng miền nên viêc phân bổ nhân lực và đầu tư nguồn lực còn dàn trải.


Nâng cao chất lượng y, bác sĩ


“Thực tế đi khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, có những TYT được đầu tư rất khang trang, trang thiết bị đầy đủ nhưng vẫn vắng bệnh nhân. Nguyên nhân do người bệnh chưa tin tưởng vào trình độ của cán bộ y tế. Do đó, điều quan trọng để giữ bệnh nhân ở tuyến YTCS là phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định.


Theo ông Nguyễn Văn Tiên, xét về chế độ chính sách, hiện nay, tại một số địa phương, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa, thu nhập của cán bộ y tế tại TYT “khá ổn”, từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Nếu các cơ quan chức năng có chính sách đào tạo nhân lực phù hợp với từng vùng, từng địa phương, thì sẽ không quá lo về chế độ đãi ngộ để giữ chân cán bộ tại các TYT.


“Vấn đề cần lưu ý là làm thế nào kiểm soát được chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực trong tình hình mở rộng đào tạo cán bộ y tế hiện nay. Khi chúng ta mở rộng đào tạo nhanh quá thì chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, vì sinh viên ít được đi lâm sàng, ít có thực tế… Do đó, cần phải tăng cường nâng chất lượng đào tạo. Cả Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải vào cuộc trong việc ban hành tiêu chuẩn và kiểm tra các chuẩn về đào tạo nhân lực y tế”, ông Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.


Song song với củng cố cơ sở vật chất cho TYT và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ YTCS, nhất là cán bộ tại TYT, nhiều chuyên gia y tế còn cho rằng, ngành y tế cũng cần có cơ chế để giữ chân cán bộ y tế. Đơn cử, trong Luật BHYT sửa đổi tới đây, cần đưa ra quy định các TYT được làm nhiều dịch vụ hơn. Nếu các TYT có thêm cơ chế sẽ được tăng cường về trang thiết bị. Và khi bệnh nhân đến với TYT nhiều hơn thì các cán bộ cũng sẽ được nâng cao tay nghề và có thêm thu nhập.


Bên cạnh đó, cần nâng kinh phí hoạt động thường xuyên cho TYT xã (hiện nay, các TYT chỉ được cấp 10 triệu đồng/năm). Chính quyền địa phương có trách nhiệm đầu tư xây dựng TYT xã như đã đầu tư cho xây dựng trường học. Ngoài lương theo quy định chung, cần tăng phụ cấp ngành (trực, độc hại...), có phụ cấp theo vùng và mức phụ cấp này sẽ tăng theo thời gian cho người tình nguyện ở lại làm việc lâu dài ở xã sau khi hết nghĩa vụ. Ngoài ra, cần tạo điều kiện nhiều hơn cho bác sỹ làm việc ở xã có cơ hội thăng tiến về địa vị xã hội, được xã hội tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau, được bình đẳng bình bầu và lựa chọn các danh hiệu thầy thuốc nhân dân và thầy thuốc ưu tú, chiến sỹ thi đua, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.


Hiện tại, ngoài vấn đề đội ngũ nhân lực thiếu và yếu thì YTCS còn đang phải đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nhất là các TYT. Theo thống kê, cả nước có gần 11.000 xã thì có gần 3.200 TYT xã cần xây mới và 3.597 trạm cần nâng cấp, sửa chữa… Các TYT chỉ cung cấp được 52,2% trong số 108 dịch vụ kỹ thuật cho phép, chủ yếu là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được đào tạo (52,7%), không có trang thiết bị (TTB) hoặc TTB cũ hỏng (45,8%).


Phương Liên


Bài cuối: Sẽ đầu tư mạnh cho tuyến xã

Trị tận gốc 'bệnh' quá tải bệnh viện
Trị tận gốc 'bệnh' quá tải bệnh viện

Chỉ khi hệ thống y tế cơ sở tạo được “thương hiệu”, lòng tin cho người bệnh thì tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên mới được giải quyết tận gốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN