Trị tận gốc 'bệnh' quá tải bệnh viện

Chỉ khi hệ thống y tế cơ sở tạo được “thương hiệu”, lòng tin cho người bệnh thì tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên mới được giải quyết tận gốc.


Bài 1: Thành phố “chê”, vùng sâu “tha thiết”

 

Xem ra, y tế cơ sở chỉ thực sự được “tin yêu” ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn tại các thành phố lớn, vẫn đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng do thiếu bệnh nhân, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì lúc nào cũng quá tải trầm trọng…


Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm y tế Tân Thuận Đông, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương


Với tổng số 9 cán bộ, nhân viên y tế, cùng một cơ ngơi vừa được cải tạo lại khá khang trang, nhưng ngày đông nhất thì số bệnh nhân của Trạm y tế (TYT) xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng chỉ khoảng 10 người, còn thường xuyên là 2-3 người và có những ngày cả trạm y tế ngồi không. Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ (BS) Lê Bắc, trưởng trạm y tế xã cho biết: “Cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm, vì thực tế, trang thiết bị tại trạm chỉ có… ống nghe và máy đo huyết áp, nên chỉ chữa được những bệnh thông thường. Bên cạnh đó, người dân giờ rất coi trọng sức khỏe, nên luôn muốn tìm tới những cơ sơ y tế có tên tuổi, có trang thiết bị hiện đại để khám chữa bệnh, dù có khi chỉ là đau bụng, sốt… Nhiều bệnh nhân tới đây, chúng tôi còn chưa kịp thăm khám gì đã đề nghị xin chuyển lên tuyến trên, hoặc xin giấy chuyển viện để được hưởng bảo hiểm y tế”.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần sớm có những nghiên cứu cụ thể về mạng lưới y tế cơ sở nói chung và các trạm y tế nói riêng trên toàn quốc; vì chỉ khi phác thảo được một bức tranh y tế cơ sở tổng thể, thì mới xây dựng được những chính sách và có những chiến lược đầu tư thực sự hiệu quả và phù hợp với tình hình mới.

Cũng theo bác sĩ Lê Bắc, với thực trạng này nên nếu được chọn, chẳng y tá, bác sĩ nào muốn về TYT cả, mà đều khao khát xin về các bệnh viện tuyến trên.


Đây là thực tế không của riêng TYT xã Dục Tú, mà khá phổ biến tại các trạm y tế các quận nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Khảo sát của phóng viên tại một số TYT ở TP Hồ Chí Minh các TYT tại quận Bình Thạnh, quận 3, quận 10… cho thấy, rất nhiều TYT đều đã xuống cấp và hầu như có rất ít bệnh nhân tới khám. Một số TYT có mặt bằng rộng, khang trang và ở vị trí đắc địa, thì chọn cách cho tư nhân thuê làm phòng mạch tư…vì cũng chẳng có mấy bệnh nhân. Điều dưỡng Lý Thị Hồng Yến TYT phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đã 3 năm nay TYT phường 3 không có bác sỹ. Do TYT nằm trong hẻm, lại gần bệnh viện quận nên hầu như không có bệnh nhân đến khám. Vậy nên, đa số cán bộ, nhân viên y tế ở đây đều làm công tác phòng chống dịch là chính. Trạm chúng tôi chỉ đông người vào những lúc tiêm chủng mở rộng”.


Một cán bộ y tế tại TYT phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày TYT phường 10 chỉ có 3 - 4 bệnh nhân tới khám bệnh, với những hoạt động rất thông thường như: Đo huyết áp, băng bó vết thương... TYT bị xuống cấp đã hơn 3 năm nay nhưng chưa được cải tạo hoặc đầu tư thêm trang thiết bị. Hiện nay, bệnh nhân tới cơ sở y tế là để khám bệnh, làm xét nghiệm nên khi thấy TYT thiếu phương tiện, cơ sở vật chất xuống cấp, BS bận họp suốt thì họ tới các bệnh viện lớn là điều tất yếu”. Cũng theo cán bộ y tế này, hiện nay, các BS trẻ rất ngại khi được phân công về làm việc tại các TYT, bởi chế độ lương bổng thì ít, cơ hội nâng cao tay nghề hầu như không có vì ít bệnh nhân, ít được đào tạo nâng cao chuyên môn; trang thiết bị y tế thì sơ sài. Trạm y tế chủ yếu chỉ thực hiện những chương trình như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, chương trình HIV, phòng chống lao... ”.


Ngược lại với sự đìu hiu của các TYT tại các đô thị lớn, TYT tại các vùng sâu, vùng xa luôn là nơi tìm đến của người bệnh. Một nghiên cứu về tình hình chăm sóc sức khỏe của người dân tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên của Viện Chiến lược và chính sách, Bộ Y tế cho thấy: Hầu hết người dân mắc bệnh đều đến khám chữa bệnh tại TYT xã. Tại 15 tỉnh được nghiên cứu, TYT là cơ sở y tế chủ yếu cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú cho người nghèo, chiếm 82%. Bệnh viện huyện là cơ sở y tế chủ yếu cung cấp các dịch vụ KCB nội trú. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ tuyến YTCS, đặc biệt tại tuyến xã còn hạn chế do thiếu nhân lực, trang thiết bị… Như vậy, rõ ràng y tế cơ sở vẫn có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân.


Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, trung bình có khoảng 75% bệnh nhân lên thẳng các BV tuyến trung ương để khám chữa bệnh mà không qua khám tại TYT, BV huyện hay BV tỉnh như quy định. Có thời điểm, tới 90% bệnh lý đến khám tại BV Nhi TƯ có thể điều trị ngay tại tuyến dưới, đẻ thường tại BV Phụ sản TƯ chiếm đến 33% và tại BV Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh chiếm đến 46% tổng số bệnh nhân.


Phương Liên - Đan Phương

 

Bài 2: Rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến y tế

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN