Giải pháp tình thế
Mường Khương, huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai có 86,5 km đường biên giới. Gần 40 năm sau ngày biên thùy im tiếng súng, dải đất rẻo cao này vẫn trong nhóm huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và trăn trở với việc củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều năm qua, cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đã điều động đảng viên là cán bộ, công chức xã, giáo viên xuống sinh hoạt trực tiếp tại các chi bộ thôn và làm Bí thư ở những thôn có từ 3 đảng viên chính thức trở lên. Trách nhiệm của những đảng viên này là gây dựng phong trào, phát triển đội ngũ đảng viên ở các thôn vùng cao, tìm các nhân tố tích cực giới thiệu với tổ chức đảng xem xét, bồi dưỡng và kết nạp Đảng. Từ đó phát huy tốt vai trò trong các lĩnh vực cũng như thể hiện rõ tính tiền phong, gương mẫu trong các phong trào ở cơ sở.
Những giải pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là với việc Bộ đội Biên phòng Mường Khương điều động cán bộ, chiến sỹ về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Những chiến sỹ quân hàm xanh đã “ba bám, bốn cùng”, phối hợp với cấp ủy, chính quyền chỉ dẫn hướng làm ăn cho hàng ngàn gia đình đồng bào dân tộc; tổ chức tuyên truyền, vận động, thay đổi các tập quán lạc hậu của người dân đã tạo nên những khởi sắc trên mảnh đất rẻo cao này. Diện tích đất canh tác trên rẻo cao đã dần bớt hoang hóa. Cây quýt, cây chuối, cây dứa đã phủ xanh thay cho cây lúa, cây ngô. Cuộc sống của một số hộ dân tộc thiểu số bước đầu thoát nghèo, bắt đầu nghĩ đến việc có của ăn, của để.
Dù vậy, việc củng cố hệ thống chính trị của Mường Khương vẫn gây nhiều suy tư khi Đảng bộ huyện vùng cao, biên giới này tính đến thời điểm hiện nay, gồm 45 tổ chức cơ sở đảng, với gần 3.000 đảng viên, 278 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, toàn bộ 209 thôn, tổ dân phố có chi bộ độc lập, nhưng số Chi bộ thôn có ban Chi ủy chỉ là 66/192, chiếm 34,37%. Số lượng đảng viên ở các thôn, bản được Huyện ủy Mường Khương chỉ rõ là còn mỏng, số lượng chi bộ có ban chi ủy chiếm tỷ lệ thấp. Ở một số địa phương trong huyện, nhiều phong trào thi đua vẫn chưa thực sự thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Công tác tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục quần chúng để có hướng phấn đấu vào Đảng ở nhiều chi bộ vẫn chưa được quan tâm sát sao...
Không chỉ ở Mường Khương, nhiều địa bàn trên tuyến biên giới kéo dài hơn 182 km của tỉnh Lào Cai cũng đang gặp những trở ngại tương tự làm ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng. Nhận định về vấn đề này, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai Ngô Hữu Quý tâm tư “đó là vấn đề không thể khắc phục một sớm một chiều”.
Theo giải thích của ông Ngô Hữu Quý, mười năm trước, nhiều thôn, bản của Lào Cai không có đảng viên. Để “xóa trắng”, biện pháp trước mắt của Lào Cai là tăng cường, điều động đảng viên từ nơi khác về làm nòng cốt như cán bộ, công chức xã, thậm chí là cả giáo viên nhằm đảm bảo mỗi một thôn, bản, tổ dân phố đều có một chi bộ độc lập, sau đó tìm nguồn phát triển tại chỗ. Sau khi được tăng cường về các thôn vùng sâu, vùng xa, nhiều đảng viên trong số này đã phát huy chức trách, nhiệm vụ, có trách nhiệm với công việc, làm nòng cốt và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ, do không phải đảng viên sinh sống nơi đó, họ không thường xuyên bám, gắn bó với địa bàn.
“Hiện nay, tỉnh đã xóa thôn, bản “trắng” đảng viên nhưng vẫn còn gần 20% trong số 3.022 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở chưa đủ 9 đảng viên là điều kiện đảm bảo để thành lập chi ủy. Tuy nhiên, những vấn đề đó không phải chỉ của riêng Lào Cai mà còn là vấn đề đang diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc khác”, ông Ngô Hữu Quý nói.
Tập trung phát triển kinh tế tại vùng biên
Báo cáo về tình hình công tác đảng viên và đội ngũ đảng viên của Tỉnh ủy Lào Cai cho thấy: Năng lực, trình độ của đảng viên hiện nay ở vùng nông thôn của tỉnh này còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Vẫn còn người không có động cơ đúng đắn vào Đảng diễn ra ở một số nơi. Còn có đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong khi đó, nguồn phát triển đảng đang ngày càng ít đi, thậm chí không còn quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng do điều kiện phát triển kinh tế đối tượng phải đi làm ăn xa; đối tượng trong người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ít chú trọng đến phấn đấu để phát triển đảng. Toàn đảng bộ hiện còn 88 chi bộ thôn, bản thuộc 8 huyện, thành phố phải điều động viên từ nơi khác đến, trong đó có 4 chi bộ thôn của 3 huyện, thành phố phải điều động 100% đảng viên. Việc nắm bắt tình hình đảng viên của Chi ủy còn hạn chế. Sức chiến đấu của một bộ phận đảng viên bị giảm sút…
Trước những vấn đề trong công tác phát triển đảng viên ở khu vực biên giới, Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trầm tư cho biết: Tăng cường đảng viên hay điều động Bộ đội Biên phòng về làm lãnh đạo cấp ủy chỉ là những giải pháp tình thế. Quan trọng nhất vẫn là nguồn lực tự thân của các địa phương. Điều này đòi hỏi con em của đồng bào dân tộc thiểu số phải được học, được đào tạo bài bản để bồi dưỡng, rèn luyện, kết nạp đảng và làm nòng cốt tại cơ sở. Để thực hiện, rất cần vai trò, sự chỉ đạo chặt chẽ từ cấp tỉnh xuống đến huyện, cấp cơ sở để có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ cơ sở. Nếu cán bộ cấp cơ sở mạnh, bản, làng xã sẽ mạnh lên.
Chỉ rõ gốc vấn đề là phải phát triển kinh tế thật mạnh tại vùng biên nơi người dân tộc thiểu số sinh sống mới giữ được chân thanh niên, ông Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ: Lâu nay, Đảng và Chính phủ đều đã đưa ra các chính sách chăm lo đời sống của nhân dân các tỉnh nghèo miền núi. Sau những Chương trình 134, 135, 30a… là các chương trình Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới. Nếu thực hiện tốt các chương trình này chắc chắn sẽ tạo sự bứt phá cho các tỉnh nghèo ở miền núi.
Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta đã có chính sách, có hệ thống từ trên xuống đến địa phương nhưng khi triển khai xuống cơ sở lại vẫn phải để các chiến sĩ biên phòng đi “cầm tay, chỉ việc” giúp dân phát triển kinh tế, làm thầy thuốc, thầy giáo. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải ra được quyết định tỉnh nào, thành phố nào để người dân đói nghèo, khổ sở, lãnh đạo, người đứng đầu, tổ chức đảng nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước nhân dân - ông Nguyễn Trọng Phúc suy tư.
“Bác Hồ đã nói, nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi. Đảng và Nhà nước đã có bao nhiêu chương trình để xoá đói giảm nghèo cho vùng sâu, vùng xa thế nhưng vì sao xuống đến tỉnh, cơ sở lại như vậy. Vì thế, trong bối cảnh trước Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Bí thư có Chỉ thị 28 - CT/TW đặt trọng tâm vào chất lượng kết nạp đảng viên mới, đồng thời đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất là Đảng đã nhận thấy rất rõ những cấp bách”, ông Nguyễn Trọng Phúc bộc bạch.
Bài cuối: Cho xứng Lời tuyên thệ