“Tôi nằm bẹp trên giường, sốt xình xịch suốt ba ngày. Tới khi tỉnh dậy, nhà cửa tanh banh. Việc dọn nhà của phụ nữ, chồng con vẫn để phần tôi. Và tôi tỉnh ngộ. Cuộc trả việc nhà… cho chồng con của tôi bắt đầu”, chị Minh Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhớ lại.
Chồng đỡ đần việc nhà là hạnh phúc đối với vợ. |
Chồng, con hư tại vợ
Trước trận ốm “lịch sử” mà chị Hạnh lấy làm mốc trả việc cho chồng con, việc nhà với chị là chuỗi ngày gắng sức liên miên. “Mình là phụ nữ nên cũng chả muốn chồng con mó tay vào việc bao giờ. Chồng đi làm về mệt. Lũ trẻ lại bận học hành. Chưa kể, bố con nó làm mà mình không ưng, thì lại lóc cóc đi làm lại. Thôi, thà làm luôn cho nó xong”, chị vẫn nhớ như in những ngày ấy.
Làm luôn cho nó xong, nghĩa là chị phải dậy từ 5 giờ sáng, nấu nướng rồi “thỉnh” chồng con vào bàn. Trong lúc mọi người nhẩn nha ăn rồi bình phẩm nước dùng bát phở nhạt, trứng vịt lộn chưa già thì chị lại xăm xắn xếp quần áo để lát bố con nó còn thay. Đưa con đi học bụng trống không, tới cơ quan chị mới lôi hộp cơm trong túi ra ăn sáng. Chiều đón con về lại điệp khúc cơm, nước, tắm giặt. Tối lại “quần nhau” với bài vở của hai nhóc, mệt phờ.
Nhưng những điều đó không làm chị bực bằng việc chồng con chị rất vô ý thức. “Vừa lau xong nhà, bố con nó xộc thẳng dép đi ngoài đường vào. Uống nước xong vứt toẹt luôn cả ấm cả chén ra đất. Vợ không sờ đến là ấm chén cáu bẩn. Động nói lại khó chịu, bảo mẹ lắm điều. Những ngày ấy, tôi chẳng khác gì một bà già khó tính”, chị Hạnh than thở.
Cũng chính bởi vô tâm, tới ngày chị sốt, chồng con cũng chẳng biết chăm sóc thế nào. Sáng ra, hai đứa con đã học cấp một không biết làm gì, tới giờ lại vào giường mẹ nhận tiền đi ăn phở. “Khi ấy, mình thấy tủi thân vô cùng, nằm truyền nước mà nước mắt chảy ướt gối. Hết cơn sốt là những trận dọn dẹp bù”, chị Hạnh thổ lộ.
Hy sinh vì chồng vì con được coi là một trong những đức tính quý của người phụ nữ Á đông. Do đó, các bé gái đã được giáo dục rằng khi lấy chồng phải toàn tâm toàn ý lo cho chồng con, gia đình nhà chồng. Nhưng thực tế cho thấy, người phụ nữ ôm đồm mọi việc thường "làm hư" chồng con của mình, khiến các thành viên khác trong gia đình quen với việc được phục vụ, được chăm sóc mà không biết cách tự làm mọi việc và quan tâm đến vợ và mẹ.
Chia việc thế nào
Một nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy những đóng góp của phụ nữ qua làm việc nhà tuy tương đương 3 triệu đồng/tháng song lại ít được ghi nhận. Người phụ nữ không chỉ bỏ công, bỏ sức mà còn bỏ nhiều cơ hội việc làm khác để hy sinh cho chồng con song không mấy khi được đánh giá đúng. Và người không đánh giá đúng họ đầu tiên lại chính là những người trong gia đình. Vì thế, chia sẻ việc nhà là điều nên làm để các thành viên hiểu nhau và giúp đỡ nhau tiến bộ tốt hơn.
“Hết ốm, tôi đã đề nghị họp gia đình và phân công lại công việc. Chồng đưa đón con đi học. Việc kèm con học được chia đôi, chồng một tối, vợ một tối. Đứa lớn giặt và phơi quần áo. Đứa nhỏ đổ rác, quét nhà, lau nhà. Và trong lịch sinh hoạt mới, tôi yêu cầu cả nhà tạo điều kiện cho mình tập thể dục mỗi tiếng một ngày để giữ sức khỏe”, chị Hạnh nói về cuộc “cách mạng” gia đình của mình.
“Tất nhiên, không phải mọi chuyện vào nếp ngay. Tôi phải kèm con giặt và phơi quần áo đúng cách mất cả tháng. Đổ rác, quét nhà cũng thế. Tức là tháng sau đó tôi chưa nhàn ngay, mà vất vả hơn vì phải kiểm tra, đôn đốc việc nhà. Mấy tháng tiếp theo cũng vẫn còn chuệch choạch. Khó nhất là mình phải tự bảo mình không được điên tiết mà làm luôn cho xong”, chị nhớ lại.
Một năm đã qua từ ngày chị Hạnh làm cách mạng “trả việc nhà cho chồng con”. So với trước, chị trẻ hẳn và vui hơn. Gia đình chị cũng có thời gian đi chơi cả nhà với nhau nhiều hơn. “Lâu lâu, chồng con làm việc nhà tốt, tôi lại tổ chức ăn tươi và cùng nhau đi xem phim. Chồng con thấy tôi đỡ cau có, lại hay có liên hoan như vậy cũng thấy thích ra mặt. Quan trọng hơn, mỗi người đều thấy mình quan trọng thế nào trong nhà”, chị phấn khởi.
Rõ ràng, người phụ nữ cần tỉnh táo học cách phân công mọi việc trong nhà cho chồng, con, vừa để chia bớt gánh nặng, vừa để mọi người có thói quen làm việc, chia sẻ với nhau và xây dựng nền nếp gia đình. Chị em cũng cần cân đối giữa nhu cầu bản thân với chồng con. Đây không chỉ là cách làm mới mình, mà còn có tác dụng tích cực giúp mỗi người trong nhà năng động và chủ động trong cuộc sống thường nhật; và quan trong hơn là ý thức chia sẻ, đỡ đần mỗi người trong gia đình từ mỗi việc nhỏ.
Thu Hường