TPHCM: Khoảng 1,3 triệu trẻ được tiêm vắc xin sởi- rubella

Thực hiện Chương trình tiêm vắc xin sởi- rubella theo chỉ đạo của Bộ Y tế, bắt đầu từ tháng 9/2014, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai 3 đợt tiêm vắc xin sởi- rubella trong trường học trên toàn thành phố. Dự kiến sẽ có khoảng 1,3 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi được chủng ngừa trong dịp này, trong đó gần 1,1 triệu trẻ đang đi học.

 

Dây chuyền sản xuất vắc xin. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

 

Theo đó, đợt 1 từ tháng 9 đến 10/2014 sẽ tiêm cho trẻ từ 11- 14 tuổi (tương ứng với độ tuổi học sinh Trung học cơ sở); đợt 2 từ tháng 11-12/2014, tiêm cho trẻ từ 6- 10 tuổi (tương ứng với nhóm học sinh tiểu học) và đợt 3 triển khai trong tháng 1-2/2015 tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi (tương ứng với nhóm nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ ở nhà). Địa điểm tiêm tại trường học, trạm y tế phường, xã. Việc tổ chức tiêm chủng theo lịch như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường cũng như giảm áp lực cho những trẻ đã tiêm sởi trong đợt chiến dịch tiêm sởi 3-10 tuổi, đồng thời cũng phù hợp với lịch học tập và nghỉ Tết của học sinh.

 

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Sở Y tế thành phố đề nghị các Trung tâm Y tế Dự phòng, bệnh viện và phòng Y tế, phòng Giáo dục… phối hợp thực hiện đầy đủ các quy trình tiêm chủng; đảm bảo nhân lực, trang thiết bị tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng, theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát trước và trong chiến dịch… Tổng kinh phí thực hiện chương trình này khoảng 7,2 tỉ đồng, trong đó hơn 4,7 tỉ được tài trợ, phần còn lại trích từ nguồn ngân sách thành phố.

 

Ngoài ra, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong năm học mới 2014- 2015, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Theo đó, các đơn vị chủ động phối hợp tổ chức công tác truyền thông trong cộng đồng thực hiện các biện pháp thường quy về vệ sinh, phòng bệnh và kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, các dấu hiệu nặng của những bệnh trên; đồng thời, tăng cường giám sát kịp thời phát hiện sớm và xử lý ca bệnh theo quy định.

 

Riêng các đơn vị y tế quận, huyện, Sở Y tế thành phố yêu cầu các đơn vị này đẩy mạnh công tác tham mưu với chính quyền địa phương và phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và xử lý nghiêm những điểm nóng phát sinh dịch bệnh, nhất là các khu vực có nguy cơ cao dễ phát sinh dịch bệnh như trường học, nhà trọ, công trình xây dựng…; đồng thời tổ chức tập huấn về quy trình phối hợp giữa ngành y tế và ngành giáo dục địa phương khi phát hiện ca bệnh truyền nhiễm trong trường học.

 

H.Chung

“Cháy” vắcxin tiêm chủng - Câu hỏi về trách nhiệm?
“Cháy” vắcxin tiêm chủng - Câu hỏi về trách nhiệm?

Trong nhiều tháng qua, nhiều loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ luôn trong tình trạng khan hiếm, nhất là ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số đơn vị cung ứng phải “chữa cháy” bằng cách gom hàng từ nhiều nước đưa về, tuy nhiên, lượng vắc-xin này như muối bỏ bể...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN