Tổng thống lâm thời Ai Cập tuyên thệ nhậm chức

Ngày 4/7, Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adli Mansour đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của quốc gia Bắc Phi này, một ngày sau khi Tổng thống Mohammed Morsi bị quân đội phế truất.


Trong lễ tuyên thệ được tiến hành tại Tòa án Hiến pháp Tối cao, ông Mansour cam kết "sẽ gìn giữ nền cộng hòa, tôn trọng hiến pháp và luật pháp và bảo vệ lợi ích của nhân dân".


Theo sắc lệnh của quân đội, ông Mansour sẽ là lãnh đạo lâm thời của Ai Cập cho tới khi một tổng thống mới được bầu. Thời điểm tổ chức bầu tổng thống hiện chưa được ấn định.

Lễ nhậm chức của Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adli Mansour được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia. Ảnh: AFP/TTXVN


Cũng trong ngày 4/7, tòa án Ai Cập đã phát lệnh bắt giữ thủ lĩnh tối cao của tổ chức Anh em Hồi giáo Mohammed Badie và phó thủ lĩnh thứ nhất Khairat El-Shater với các cáo buộc kích động bạo lực, sát hại trong những người biểu tình trước trụ sở của tổ chức này tại Mokattam, phía nam thủ đô Cairo. Trước đó, tòa án Ai Cập cũng đã ra lệnh bắt giữ 300 thủ lĩnh và thành viên của tổ chức này.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục có nhiều phản ứng trái chiều về những diễn biến vừa qua tại Ai Cập.

Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày 4/7 đã hoan nghênh quyết định phế truất Tổng thống Morsi của quân đội Ai Cập và cho rằng đây là biện pháp nhằm giải quyết bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này. Sự lớn mạnh của tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi đầu năm 2011 đã gây lo ngại cho hầu hết các nước Arập vùng Vịnh, trong đó có UAE, vốn lo ngại điều này sẽ kích động những người Hồi giáo trong nước.

Tuy nhiên, trong một phản ứng trái chiều, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nhận định việc quân đội hạ bệ Tổng thống Morsi là "một bước thụt lùi của nền dân chủ tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi "đối thoại và thỏa hiệp chính trị". Còn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng việc lật đổ Tổng thống Hồi giáo Morsi không phản ánh nguyện vọng của người dân và không chiểu theo luật pháp. Ankara đồng thời kêu gọi Cairo mau chóng "trở lại với chế độ dân chủ".

Ngoại trưởng Anh William Hague cùng ngày tuyên bố Anh sẽ hợp tác với chính quyền lâm thời của Ai Cập, mặc dù London không ủng hộ việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Morsi. Ông Hague đồng thời giảm bớt sự chỉ trích của dư luận trước việc quân đội Ai Cập can thiệp vào chính trường khi cho rằng đây là "một sự can thiệp hợp lòng dân".

Nga kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tại Ai Cập "kiềm chế" và kiềm chế bạo lực sau khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi và quản thúc tại gia ông này cùng những người thân cận. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng tất cả các lực lượng chính trị tại Ai Cập cần kiềm chế để cân nhắc những lợi ích đại cục của đất nước trước khi hành động, và để chứng minh rằng họ đang nỗ lực giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế-xã hội rối ren theo một khuôn khổ dân chủ, phi bạo lực và tính tới lợi ích của tất cả các thành phần xã hội cũng như tôn giáo".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh ủng hộ "lựa chọn của người dân Ai Cập" và kêu gọi các bên liên quan xúc tiến đối thoại, thay vì kéo dài tình trạng bạo lực.

Trong khi đó, giới chức Israel, vốn thường phản ứng nhanh về các diễn biến trong khu vực, vẫn giữ thái độ im lặng trước việc vị tổng thống do dân bầu đầu tiên của Ai Cập bị quân đội lật đổ. Một quan chức giấu tên cho biết Tel Aviv đang thận trọng theo dõi diễn biến tình hình.


TTXVN/Tin tức
Vì sao Tổng thống Ai Cập bị phế truất?
Vì sao Tổng thống Ai Cập bị phế truất?

Điều gì đã khiến 17 triệu người Ai Cập chiếm lĩnh các quảng trường trong cả nước? Tại sao phong trào nòng cốt của làn sóng phản kháng ở Ai Cập yêu cầu Tổng thống Morsi phải từ bỏ quyền lực? Và tại sao quân đội Ai Cập ra tối hậu thư đối với Tổng thống Morsi?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN