Tướng Sisi nổi lên thành người hùng Ai Cập

Các chuyên gia cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập - Tướng Abdel Fattah al-Sisi, người đang nổi lên như một người hùng trong bối cảnh tình trạng bạo động đang càn quét nước này, đang tuyệt vọng tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng theo cách không đưa đất nước trở lại thời kỳ quân đội nắm quyền vốn không được lòng dân thời điểm 2011 - 2012.

Tướng Abdel Fattah al-Sisi được lòng những người biểu tình phản đối Tổng thống Morsi.


Hành động can thiệp gây chú ý của vị chỉ huy quân đội hôm 1/7 với bản tối hậu thư đề nghị trong vòng 48 tiếng, Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi phải đạt được thỏa thuận với những người phản đối hoặc phải chấp nhận một lộ trình được vạch sẵn đã giúp ông Sisi nhận được tán dương của những người biểu tình phản đối trên đường phố.

Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ tổng thống bị phế truất, hành động can thiệp của quân đội thực chất là một vụ đảo chính và đưa Ai Cập trở về thời kỳ quân đội điều hành đất nước, như khoảng thời gian chuyển tiếp từ sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ tháng 2/2011 đến khi ông Morsi lên nắm quyền tháng 6/2012.

Ngày 2/7, trong tuyên bố được đăng tải trên trang mạng cá nhân chính thức, ông Morsi nhấn mạnh đến "tính hợp pháp" của mình với tư cách là vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập. Tuyên bố có đoạn: "(Ông Morsi) loại trừ bất kỳ nỗ lực nào đi vượt quá giới hạn, yêu cầu các lực lượng vũ trang phải rút lại những lời cảnh báo và bác bỏ bất kỳ mệnh lệnh nào, dù trong nước hay của nước ngoài".

Kamel al-Sayyed, chuyên gia ngành khoa học chính trị ở trường Đại học Cairo, cho rằng trước đó Tướng Sisi đã từng tiến hành những bước nhằm đạt được thỏa thuận chính trị. Ông nói: "Tướng Sisi đã cố gắng thúc đẩy đồng thuận dân tộc vào cuối năm 2012 khi cuộc khủng hoảng xung quanh bản Hiến pháp mới nổ ra, song lại bị Tổ chức Anh em Hồi giáo từ chối".

Các chính khách và nhà báo từng tiếp xúc với ông Sisi cho rằng ưu tiên chính của ông đó là khôi phục lại danh tiếng của quân đội, vốn bị hoen ố trong thời gian quân đội điều hành đất nước thông qua Hội đồng Tối cao các Lực lượng Vũ trang. Sau thời kỳ "trăng mật" ngắn ngủi sau khi chính quyền Mubarak sụp đổ, quân đội đã bị dân chúng chế nhạo bằng những khẩu hiệu như "chìm xuồng cùng với chế độ quân sự", tương tự như những khẩu hiệu phê phán Mubarak.

Ở tuổi 58, ông Sisi hiện trẻ hơn người tiền nhiệm của mình, Thống chế Lục quân Hussein Tantawi, tới 20 tuổi. Ông Tantawi là một cựu chiến binh trong cuộc chiến Arập - Israel và là một trong số đồng minh thân cận nhất của ông Mubarak. Khi ông Morsi loại bỏ ông Tantawi hồi tháng 8/2012 và thay thế bằng ông Sisi, nhiều lời đồn đoán được đưa ra về khả năng một liên minh giữa quân đội và các nhà lãnh đạo Hồi giáo được thiết lập, điều mà trước đây quân đội đã từng phản đối.

Cho dù Tướng Sisi là một thành viên của chính phủ Hồi giáo, thì ông vẫn được xem là người trong giới quân đội. Ông đã có nhiều thành tích trong vai trò sĩ quan quân đội cấp cao trước khi đảm nhiệm thành công chức vụ phụ trách tình báo quân đội. Viên tướng này từng nói rằng ông mong muốn "tăng cường tính hiệu quả của các lực lượng vũ trang" vốn bị xem là đã lạc hậu và khó có thể khôi phục trật tự ở khu vực bán đảo Sinai đầy bất ổn.


Nổi tiếng là một người mộ đạo, ông Sisi từng bị cáo buộc quá gần gũi với phe Hồi giáo khi được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng quốc phòng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quan chức Ai Cập khác, ông cũng là người ái mộ cựu Tổng thống theo chủ nghĩa dân tộc Gamal Abdel Nasser.

Fattah al-Sisi sinh ra ở Cairo vào tháng 11/1954, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Ai Cập vào năm 1977 với tấm bằng khoa học quân sự. Ông từng được đào tạo ở Anh vào năm 1992 và ở Mỹ năm 2006.

Quân đội Ai Cập có mối quan hệ thân thiết với Mỹ, nước hiện đang cung cấp cho Ai Cập một lượng lớn trang thiết bị quân sự cùng với các đợt huấn luyện. Kể từ sau khi hiệp định hòa bình Israel - Ai Cập được ký kết năm 1979, Washington đã trở thành nước hậu thuẫn chính cho quân đội Ai Cập và hiện cấp số tiền viện trợ lên tới 1,3 tỷ USD mỗi năm.


TTK

Tổng thống Ai Cập bị lật đổ từ chối ra nước ngoài
Tổng thống Ai Cập bị lật đổ từ chối ra nước ngoài

Tổng thống Mohamed Morsi đã từ chối đề nghị rời đất nước này để đến Yemen, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác sau khi bị quân đội phế truất.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN