“Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh là truyện ngắn mà tôi yêu thích nhất những năm tháng bắt đầu cắp sách đến trường bởi tôi thấy mình ở trong nhân vật - trong sáng, hồn nhiên, đầy háo hức trước một thế giới mới với những cánh cửa mới. Thời gian qua đi, con người cũng trưởng thành, tôi vẫn đi học nhưng học có mục đích, có tính toán và cân nhắc đến môi trường, điểm số, đầu ra hay khả năng phát triển của ngành nghề mình sẽ theo học. Bước chân vào đại học, sống xa gia đình, bố tôi chỉ khuyên “Con hãy học cho mình”, lời khuyên giản dị, ngắn gọn nhưng ý tứ sâu xa và có lẽ đến tận bây giờ tôi mới hiểu “học cho mình” là như thế nào.
Tôi có vài người bạn may mắn sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ đầu tư du học trời Tây nhưng bản thân họ không hứng thú với những kỳ vọng của song thân đắp đổi từng ngày. Tôi cũng thấy những cô cậu học trò muốn gì được nấy, quần là áo lượt, xe máy, laptop ung dung lên giảng đường nhưng khối lượng kiến thức mà họ thu nạp được là không. Tò mò hỏi họ thế là thế nào thì nhận được câu trả lời cũng ngắn gọn và ý tứ sâu xa “Bố mẹ tớ lo được hết”! Và chắc chắn những người đó không học cho mình.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nơi tri thức của con người mở và vô hạn. Con cá từ trong ao bơi ra biển lớn, hoặc sinh tồn để ngày càng trưởng thành, hoặc bị cuốn phăng rồi chìm nghỉm. Quá trình đào thải trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết, do đó học chỉ trong nhà trường, qua sách vở dần mất đi vị trí độc tôn. Tạm gác lại mục đích to tát vì xây dựng đất nước hay đóng góp cho xã hội, học trước hết đúng là vì sự sinh tồn của chính bản thân mình, “làm cho lòng ta nhẹ và túi ta nặng” (Benjamin Franklin).
Thuở hồng hoang, con người học săn thú, học cách dùng lửa để nấu ăn, học may quần áo; dần dần những ứng xử văn hóa tối thiểu cũng phải học “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Xã hội phát triển, giao thương giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng rộng rãi, người ta bắt đầu học ngoại ngữ, học những nghi thức ngoại giao như rót rượu, khiêu vũ…Thời đại kinh tế thị trường đang diễn ra sôi động, người ta học cách làm kinh doanh, cách đàm phán và có khi cả những mánh khóe, những mẹo vặt để có thể tồn tại trong guồng quay nghiệt ngã của nó. Nói như vậy không nhằm mục đích phủ định tuyệt đối giá trị của đào tạo trong nhà trường hoặc ở các cơ sở giáo dục, có điều chỉ học như thế là chưa đủ. Tôi đi học trong thời đại mới đòi hỏi tôi quan sát để mài sắc tư duy và tôi sử dụng các kỹ năng để giải quyết tình huống.
Không đề cao việc tôi học cái gì mà là tôi vận dụng cái được học như thế nào, không rập khuôn kiến thức mà tìm thấy sự sáng tạo của mình trong bể kiến thức của nhân loại. Nhưng xem ra, vẫn còn một bộ phận không nhỏ trí thức chưa “ngộ” được điều này. Có người loay hoay tìm cách, tìm đường và an phận với những gì mà nhà trường và xã hội trao cho. Có người lại ảo tưởng vào những kiến thức hàn lâm được học mà quên mất rằng, cuộc sống muôn hình vạn trạng bên ngoài cũng đang dạy chúng ta rất nhiều điều và đòi hỏi mỗi người tự học bằng cách quan sát – chiêm nghiệm. Tôi học ở bạn tôi biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, tôi học ở đồng nghiệp tôi cách ứng xử với những lời khen tiếng chê, tôi học ở hàng xóm cách dạy con và học mẹ tôi cách chăm sóc gia đình. Mọi thứ đều phải học, học bằng thái độ cầu thị, trách nhiệm và tình yêu thương.
Học là một khái niệm rộng lớn, đi học là một quá trình gian nan. Và tôi vẫn đang đi học, từng ngày từng giờ…
Thi Hà