Tinh tế hoa đất Hà thành

Nghệ thuật hoa đất nặn ra đời ở Nhật Bản cách đây khoảng 50 năm, nhưng thời gian gần đây mới được du nhập vào Việt Nam. Tuy gọi là hoa đất, nhưng không vì thế mà nó mất đi vẻ đẹp tự nhiên, ngược lại những bông hoa như được thổi hồn vào để trở nên tươi tắn, rực rỡ, nhờ bàn tay tài hoa của người tạo ra chúng.

Chị Hương Thủy (shop hoa đất Hương Thủy) bên những sản phẩm của mình.


Vài năm trở lại đây, nghệ thuật nặn hoa đất có lẽ không còn xa lạ với người dân Hà thành. Để đáp ứng nhu cầu về trang trí nhà cửa, văn phòng, làm quà tặng cho người thân, bạn bè, cũng như đáp ứng đầy đủ thị hiếu của người tiêu dùng, đã có nhiều cửa hàng hoa đất ra đời, tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, như cửa hàng “Hoa đất Hà thành” (phố Trần Quý Cáp), “Yukiko Design” (phố Yên Phụ), “Art shop” (phố Hào Nam) hay “Hoa đất Hương Thủy” (phố Trần Quang Diệu). Gọi là “hoa đất” vì chất liệu làm nên những bông hoa này lại được tạo ra từ một loại hợp chất đất (dẻo), được chủ các cửa hàng mua ở trong nước hoặc nhập từ Nhật Bản, Thái Lan về. Từ loại bột đất này, người ta có thể tạo nên rất nhiều loại hoa khác nhau, có thật trong thiên nhiên. Việc lựa chọn đất rất cẩn thận. Đất của Nhật Bản hoặc của Thái Lan thì sẽ cho ra những bông hoa đất có độ mịn, dẻo, không bị khô nứt và giữ được màu sắc qua thời gian. Còn màu sắc của hoa thì phải dùng đến màu pha, các loại màu này cũng được nhập từ Anh, Pháp, Hà Lan, Đài Loan về.

 

Để có một bình hoa đất, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là nhào màu với đất, cho đất vào bao cán rồi cho vào máy cán tuỳ theo độ dày mỏng của cánh hoa. Sau đó, dùng khuôn cắt cánh hoa, tạo dáng cho cánh hoa theo như mẫu hoa thật, mang phơi khô (tùy theo từng loại hoa mà có những loại khuôn riêng), rồi tiếp tục tô màu cho cánh hoa. Các loại nhụy hoa, nụ hoa… phải nặn hoàn toàn bằng tay. Cuối cùng là khâu lên cành. Mỗi công đoạn cũng ngốn mất cả buổi, tính thời gian để cho ra được một bình hoa đất phải mất tới 3-4 ngày, thậm chí cả tuần mới xong được một chậu hoa hoàn chỉnh. Những bình hoa to thì thời gian làm có thể lên tới cả tháng trời. Cứ như vậy, những người làm nghề ngày đêm tỉ mẩn, thỏa sức trong góc sáng tạo của mình với hàng trăm loài hoa khác nhau theo mùa, từ hoa lan, sen, hồng, cúc, đến mai, đào phục vụ mỗi dịp Tết đến.

 

Chị Hương Thủy, chủ shop “Hoa đất Hương Thủy”, người có nhiều năm gắn bó với nghề nặn hoa đất cho biết, cái khó nhất trong việc làm hoa đất là phải pha được màu giống như hoa thật, sau đó là tô màu và vẽ các chi tiết trên cánh hoa. Tùy vào màu sắc của từng loại hoa, người làm hoa phải pha trộn màu sắc, tạo kiểu dáng để cho ra đời những bông hoa như ý.


Có lẽ vì thế mà nghệ thuật làm hoa đất không chỉ đơn thuần là tạo hình và nặn, mà nó còn đòi hỏi ở người làm nghề một tâm hồn nghệ sĩ, có chất bay bổng, óc sáng tạo, sự tinh tế và trên hết là tình yêu với nghề. Chẳng vậy mà từ một nhà báo, yêu thích hoa lụa, chị Hương Thủy đã chuyển sang gắn bó với nghệ thuật làm hoa đất, bỏ ra cả một quãng thời gian dài để tìm tòi, nghiên cứu về nghệ thuật nặn hoa đất với một niềm đam mê cháy bỏng. Chị tâm sự: “Nhiều lúc cảm thấy căng thẳng lắm, có những đêm mất ngủ vì trăn trở để cho ra sản phẩm mới. Sức khỏe lại không được tốt nên nhiều khi cũng vất vả, nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy chán nghề cả, vì cứ mỗi khi nhìn thấy khách hàng tỏ ra thích thú, hài lòng với những sản phẩm của mình, tôi lại quên hết mệt mỏi”.


Tạo hóa đã sản sinh ra những đôi bàn tay khéo léo để biến những vật vô tri vô giác như đất trở nên có sức sống, sức hấp dẫn, sức lan tỏa và khiến cuộc đời đẹp hơn. Cứ như vậy, hoa đất đã khiến cho không ít người khi nhìn thấy nó phải ngạc nhiên, phải trầm trồ, phải mê mẩn thốt lên: “Sao mà thật, mà đẹp, mà dễ thương đến thế!”

 

Nhiều loại hoa có sẵn khuôn để cắt cánh nhưng vẫn đòi hỏi người làm hoa phải tạo dáng thật khéo mới “thổi” được cái hồn để bông hoa trông giống thật.

Bài và ảnh: Quỳnh Như

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN