Cho đến bây giờ sau gần ba năm cộng tác với Báo Tin tức và trở thành cộng tác viên “ruột” chuyên viết về biển đảo, tôi thấy mình trưởng thành rất nhiều và chưa bao giờ ngừng viết. Những “đứa con tinh thần” được Báo Tin tức chọn đăng không chỉ tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tiếp tục cầm bút, kể cả những đề tài “xương xẩu, nhạy cảm” mà còn khẳng định công sức lao động và tâm huyết với nghề, dẫu vẫn hiểu nghề làm báo ít vinh quang, nhiều nhọc nhằn và nguy hiểm.
Tác giả phỏng vấn em Nguyễn Văn Nam bị tật nguyền ở xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. |
Tôi trở thành cộng tác viên của Báo Tin tức cách đây gần 3 năm. Với khoảng thời gian tuy ngắn so với dòng chảy thời gian, nhưng cũng đủ để khẳng định niềm đam mê tâm huyết với tờ báo tôi yêu thích.
Tháng 10/2010, khi ấy tôi đang làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/14 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Tôi tình cờ đọc Báo Tin tức Cuối tuần và Tin tức hàng ngày của một người khách đem ra từ đất liền. Lướt nhanh tin bài, tôi cảm giác mình “bén duyên” ngay lúc ấy. Ngày ấy, phương tiện thông tin đại chúng của nhà giàn là xem ti vi kênh VTV1, VTV3 qua chảo thu TVRO, báo giấy có ba tờ: Quân đội Nhân dân, Tiền Phong và Bà Rịa Vũng Tàu chứ Báo Tin tức không thuộc “biên chế”. Cầm tờ báo “lạ” trong tay, tôi coi như báu vật. Tôi gối đầu giường “nghiền ngẫm” từng chuyên mục những buổi trưa. Báo Tin tức hàng ngày, tôi thích nhất trang “Nhịp sống”, đó là những bài phóng sự, nói đúng hơn là câu chuyện kể về những mảnh đời bất hạnh, những em bé mồ côi vượt khó, những chiến sĩ hải quân thầm lặng hi sinh nơi biển vắng đảo xa. Báo Tin tức Cuối tuần tôi thích nhất trang “Phóng sự” và trang “Đời sống xã hội”, nhưng viết thế nào, viết về đề tài gì để vừa gần gũi, vừa xúc động và đáp ứng được yêu cầu của báo vẫn là một bài toán đối với tôi lúc ấy.
Ngày trở về đất liền, bao dự định luôn đầy ắp trong đầu. Tự lòng mình tôi nghĩ: Phải viết cho Báo Tin tức để nói về hình ảnh của bộ đội Hải quân và biển đảo quê hương. Tháng 10/2011, lần đầu tiên Nhà nước ta kỷ niệm cấp quốc gia “50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển”, tôi suy nghĩ rất nhiều về đề tài này. Có đêm tôi thao thức không ngủ. Qua tư liệu lịch sử, hình ảnh các chiến sĩ hải quân đoàn tàu Không số ngày ấy luôn làm tôi xúc động, nhưng để tìm và gặp gỡ nhân vật, phỏng vấn là một vấn đề khó.
Không kìm nén được cảm xúc dâng tràn, không “chối bỏ” được lòng đam mê, tôi cầm bút viết kỳ 1 “Con đường chiến lược trên biển” trong loạt phóng sự tài liệu “Con đường của niềm tin thắng lợi” sau một buổi chiều cùng phóng viên báo Hải quân Việt Nam Trịnh Dũng vượt 40 km đường ven biển đến thôn Phước Tân, huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp má Mười Riều và thuyền trưởng tàu không số đầu tiên ở bến Phước Hải, đại úy Nguyễn Sơn. Viết xong 4 kỳ đầu, tôi mạnh dạn gửi đi và chờ đợi. Một buổi tối, điện thoại tôi đổ chuông với số máy từ Hà Nội. Từ đầu dây bên kia, giọng anh Nguyễn Quang Vinh (lúc đó là Phó Tổng biên tập) nói: “Chúng tôi đã nhận được bài của anh”, sau đó hỏi tôi: “Anh làm gì, ở đâu?”, tôi trả lời “Tôi tên Mai Thắng, Trung tá, công tác tại Bộ Tư lệnh hải quân Vùng 2”. Qua câu chuyện, anh Vinh rất cởi mở và nói “Cảm ơn đồng chí, bài sẽ đăng kể cả dài kỳ, viết tiếp nhé”.
Ba ngày sau, tôi như không tin nổi vào mắt mình khi vào trang web docbao.com.vn rồi tìm đến Báo Tin tức. Dòng chữ “Con đường của niềm tin thắng lợi”, kỳ 1 “Con đường chiến lược trên biển” đăng trang trọng chân trang 6 - 7. Tôi xúc động trào nước mắt. Xúc động không chỉ bài của mình được tòa soạn chọn đăng, mà xúc động hơn bởi sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ tàu không số lần đầu tiên được bạn đọc biết đến một cách chân thực nhất, đời thường nhất. Được tiếp thêm sức mạnh, tôi viết tiếp các kỳ tiếp theo bằng tất cả trách nhiệm và niềm say mê. Trong lúc hỏi chuyện đại úy Nguyễn Sơn, nguyên thuyền trưởng tàu không số ở Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Sơn kể chuyện vượt biển bằng ghe hai đáy, phải uống nước đái chống khát. Ông Sơn bảo “Cuộc vượt biển ấy đổ rất nhiều máu”, tôi đặt luôn cái tít kỳ 4: “Cuộc vượt biển bằng máu”. Thật lòng, lúc đó lòng tôi như mở hội. Tay đánh máy, miệng hát bài “Lời người ra đi”. Nhớ lại câu chuyện ông Nguyễn Sơn chia tay người yêu ở bến Phước Hải năm xưa cùng 4 đồng đội lên tàu vượt biển ra Bắc, tôi đặt luôn tít “Lời người ra đi”; hay nói đến sự hi sinh gan dạ của liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Phan Vinh tôi đặt cái tít chứa chan cảm xúc “Sông núi vang tên người anh hùng”, nói đến người con xứ quảng gan dạ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng Nguyễn Văn Hiệu tôi đặt tít “Thà chết không lùi bước”... Đó là một số trong rất nhiều tít bài tôi đặt với tất cả tâm huyết và tâm trạng xúc động.
Sau loạt phóng sự 17 kỳ “Con đường của niềm tin thắng lợi”, tôi viết tiếp tuyến bài “Những người giữ cột mốc chủ quyền trên biển” dài 32 kỳ, “Trường Sa trong lòng Tổ quốc” dài 15 kỳ, “Nước ngọt ở Trường Sa” dài 7 kỳ... Tôi mạnh dạn viết cả đề tài nóng về nạn chặt chém chèo kéo khách du lịch ở bãi biển Vũng Tàu, và cả những đề tài nhạy cảm như cát xê của ca sĩ nghiệp dư, những mảng tối nhọc nhằn của thân phận người hát rong...
Khó có thể kể hết những bài viết Báo Tin tức đã chọn đăng, nhưng có một điều tôi luôn trăn trở và hãnh diện là được viết, được góp sức nhỏ bé của mình tuyên truyền biển đảo, khơi dậy tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, động viên cán bộ chiến sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1, giúp họ thêm yêu đời và vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Càng viết, càng đam mê, càng dấn thân, càng tâm huyết, đó là phương châm của tôi. Tôi cảm nhận một điều, đã làm nghề báo là chấp nhận gian khổ và nguy hiểm, nhất là mỗi lần đi tác nghiệp những vấn đề nóng, nhạy cảm, cần có sự dấn thân và thầm lặng hi sinh. Dẫu vẫn biết hiểm nguy, gian khổ, nhưng tôi không thể làm ngơ trước một hành động tiêu cực của xã hội, không thể lặng im trước nỗi đau của đồng loại, và không thể không xúc động dâng tràn trước những hành động cao đẹp của những người sống vì mọi người. Mỗi khi bài viết của mình được Báo Tin tức chọn đăng đã tiếp thêm cho tôi tình yêu nghề nghiệp. Tôi hiểu viết báo không chỉ là một nghề mà còn là hơi thở, là nhựa sống và niềm vui, mà Báo Tin tức là mảnh đất khơi lửa, ươm mầm và chắp cánh cho tôi thỏa niềm mơ ước.
Mai Thắng