Giao dịch cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) là xã có đến 90% số hộ thuộc diện tái định cư Thủy điện Lai Châu. Trước khi chuyển lên khu tái định cư mới, cuộc sống của bà con rất khó khăn.
Cụ thể, xã có 10 bản, 679 hộ với 2.805 nhân khẩu, gồm có 6 dân tộc anh em chung sống. Để thực hiện xây dựng thủy điện Lai Châu, xã có 9/10 bản phải tái định cư, hơn 98% đất lúa ruộng đã bị ngập. Do tái định cư nên diện tích sản xuất lúa nước không còn, người dân lại chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80,3%) nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi tái định cư, ngoài việc dựa vào nguồn tiền trợ cấp của nhà nước, nhằm giúp đồng bào trong xã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách một cách nhanh chóng, kịp thời, để phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở... UBND xã Mường Mô đã huy động mọi tổ chức tham gia vào công tác triển khai tín dụng chính sách thực hiện công cuộc giảm nghèo. Đồng thời, UBND xã chủ trì chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn xã, đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định; phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nguồn vốn ưu đãi đã giúp đồng bào có đồng vốn để chăn nuôi và sản xuất với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi, nên được nhân dân đồng tình ủng hộ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết, trước khi lên đây, cuộc sống của đồng bào rất là khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ trong xã vay vốn, người dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi... nên cuộc sống đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 43%, đến năm 2017 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 19,2%, đa số đồng bào trong xã sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Đến nay cơ bản cuộc sống của đồng bào được đảm bảo, chất lượng sống, điều kiện cơ sở vật chất tăng lên; bản làng xanh, sạch, đẹp. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động đồng bào tăng gia sản xuất, thâm canh tăng vụ, đảm bảo cuộc sống”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Hà Văn Sơn cũng cho biết, tại Nậm Nhùn có rất nhiều hộ tái định cư ở các công trình thủy điện, đặc biệt là Thủy điện Lai Châu, trong đó phải kể đến xã Mường Mô. Do xã có 9/10 bản thuộc diện tái định cư nên nguồn lực để đồng bào phục vụ lao động sản xuất kinh doanh rất hạn hẹp. Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội nên có nhiều hộ dân đã vay vốn từ các chương trình này để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cuộc sống được cải thiện và vươn lên thoát nghèo.
Chương trình tín dụng chính sách xã hội đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cũng luôn được ổn định…
Theo anh Hù Văn Tỉnh ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, trước đây khi chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, đời sống gia đình anh rất khó khăn, không có vốn để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Sau khi tiếp cận và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh đầu tư mua trâu, lợn, gà... để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và cho con cái được đi học.
“Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà nhiều khẩu gồm bố, mẹ già, 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ đang đi học, cuộc sống không đủ ăn phải đi vay mượn. Sau khi được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 30 triệu đồng, tôi đã đầu tư mua trâu, lợn, gà, làm nương lúa, ngô... Đến nay nhờ thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt, không những tôi đã có tiền trả lãi và mua sắm đồ dùng sinh hoạt mà còn có tiền cho con ăn học. Nhờ có đồng vốn ưu đãi, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, gia đình tôi từ chỗ thiếu ăn nay đã chở thành gia đình khá giả. Con cái được ăn học đầy đủ”, anh Hù Văn Tỉnh phấn khởi chia sẻ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý được triển khai kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng đã giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, góp phần giảm bớt các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn. Những thay đổi về nhận thức, suy nghĩ của người dân trong việc “có vay, có trả”, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, biết phát huy sức mạnh cộng đồng trong tương trợ giúp đỡ lẫn nhau đã phát huy hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Lòng tin của người dân đã được tăng cường và củng cố hơn vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.