Tiếp tục đổi mới chính sách dân tộc

Những năm qua, nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng sự đồng thuận và nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc; công tác dân tộc đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo vùng dân tộc và miền núi.

Chính sách sát thực tế hơn


Mặc dù vùng dân tộc và miền núi đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhưng do đặc điểm và điều kiện đặc thù với nhiều khó khăn nên khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân tộc ngày càng lớn; tỷ lệ nghèo gấp hơn 2,5 lần so với bình quân chung cả nước; nhất là vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vốn là vùng lõi đói nghèo của cả nước. Những khó khăn, thiếu thốn và những việc chưa làm được cho đồng bào đòi hỏi những người làm công tác dân tộc phải cùng nhau quan tâm, chia sẻ và xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư cho các vùng này.

Làm cầu treo cho đồng bào ở xã Na Tao, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.


Hiện tại, cơ chế chính sách cho vùng dân tộc và miền núi đang có sự thay đổi căn bản, theo hướng ngày càng sát thực tế hơn, thiết thực và phù hợp với cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Trước đây, cơ chế chính sách chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp đời sống của đồng bào, thông qua các chính sách như: Trợ cước, trợ giá và cấp miễn phí một số mặt hàng thiết yếu cho người dân vùng dân tộc và miền núi, thực hiện theo từng năm, nhưng sau khi có phân định các xã, thôn, bản theo điều kiện địa lý tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thì các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (khu vực III) đã được đầu tư hỗ trợ theo Chương trình 135 giai đoạn I (2000 - 2005), giai đoạn II (2006 - 2010) và nay, đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, địa bàn và đối tượng của hệ thống chính sách cũng thay đổi từ chỗ “dễ làm trước, khó làm sau”, chuyển sang ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng khó khăn nhất (xã, thôn bản đặc biệt khó khăn).


Xuất phát từ đặc điểm các dân tộc thiểu số ở nước ta phát triển không đồng đều cả về đời sống kinh tế, dân trí, mức hưởng thụ văn hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật, dân số và môi trường sống, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã xây dựng chính sách đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người, nhằm giúp các dân tộc này phát triển sản xuất, giảm nghèo, thoát nghèo, bảo tồn phong tục, tập quán truyền thống, ngôn ngữ dân tộc, ý thức tự giác tộc người...


Từ đầu nhiệm kỳ XIII (2011 - 2016) đến nay, UBDT đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động toàn khóa với 7 nhiệm vụ trọng tâm; tham mưu với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ban hành chính sách mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách không phù hợp, các chính sách mới căn cứ vào thực tế, xuất phát từ lợi ích của đồng bào dân tộc, có sự tham gia của cộng đồng như: Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015; chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Sửa chữa, xây mới phòng học ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.


Cùng với việc đổi mới cơ chế, chính sách, UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng định mức hỗ trợ trong một số chính sách như: Nâng mức vay ưu đãi cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn từ 5 triệu đồng/hộ lên 8 triệu đồng/hộ; Chương trình 135, năm 2014 và 2015, tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013, các năm tiếp theo bố trí tăng phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ ngân sách Trung ương 1 triệu đồng lên bình quân 1,3 triệu đồng/hộ; hỗ trợ đất sản xuất từ 20 triệu đồng/hộ (hỗ trợ 10 triệu đồng và vay ưu đãi 10 triệu đồng/hộ) lên 30 triệu đồng/hộ, (hỗ trợ 15 triệu đồng và cho vay ưu đãi 15 triệu đồng/hộ)...


Xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu đột phá


Để tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình hiện nay, UBDT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc từ Trung ương đến các địa phương; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động đồng bào tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc; chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ và chọn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc làm khâu đột phá, là "mắt xích" quan trọng...

Dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.


Mặt khác, UBDT cũng sẽ chủ động triển khai có hiệu quả các chính sách đã ban hành, phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đối tượng thụ hưởng là đồng bào các dân tộc, đặc biệt sớm trình cấp có thẩm quyền khắc phục, bổ sung nguồn lực báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó là tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội và quốc tế; phát huy nội lực của các địa phương và người dân, các dòng họ, dòng tộc của đồng bào dân tộc để có thêm nguồn lực triển khai tốt nhất các chính sách dân tộc. Một vấn đề nữa là các đối tượng sử dụng nguồn lực phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát và phải xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng nguồn lực cả trong nước và quốc tế có sai phạm để đảm bảo các nguồn lực thực sự đến tay đối tượng được thụ hưởng một cách tốt nhất.


“Trong thời gian tới, UBDT cũng sẽ triển khai quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi; đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục miền núi thông qua việc đầu tư xây dựng trường phổ thông bán trú dân nuôi tại các xã, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, cấp tỉnh. Đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc và miền núi; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, chính sách cử tuyển cho con em các dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, mở thêm trường dự bị đại học dân tộc; phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Tiếp tục thực hiện chính sách phát thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số”, đại diện UBDT cho biết.


Cũng theo đại diện này, UBDT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc và các chính sách cho từng vùng giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020, thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách định canh, định cư; làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng; ưu tiên đảm bảo nguồn lực cho thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí; thực hiện nghiêm chỉnh việc phân cấp mạnh mẽ cho cơ sở, công khai hóa các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN