Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, hội thảo là cơ hội tốt cho các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ các Đại sứ, đại diện các nước thuộc khu vực Trung Đông - châu Phi để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thực tiễn và mở ra các hướng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, tìm kiếm thị trường và các cơ hội trao đổi thương mại.
Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 quốc gia Trung Đông - châu Phi và có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia trong khu vực này. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi trong năm 2018 đạt trên 20,5 tỷ USD. Việt Nam cũng tiếp nhận trên 2,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ khu vực này.
Với sự hỗ trợ của một số quốc gia phát triển và tổ chức quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam đã triển khai thành công nhiều mô hình hợp tác song phương, 3 bên - 4 bên; cử trên 400 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như: Mozambique, Benin, Guinea, Senegal... Với sự trợ giúp của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, năng suất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản tại các dự án thí điểm đều tăng, từng bước góp phần giúp các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ghi nhận những đóng góp đáng kể về hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ Arab, quỹ Kuweit... cho các địa phương của Việt Nam để triển khai các dự án đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và phát triển nông thôn tại Việt Nam.
Giới thiệu về nông nghiệp Việt Nam và những đóng góp với sự phát triển nông nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 trên thế giới về xuất khẩu nông sản, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 năm qua (2008 - 2018) đạt 302 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm.
Riêng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều thành tích nổi bật trong quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên toàn cầu như: Sudan, Nigeria, Mozambique… (châu Phi); Cuba, Venezuela (ở Trung và Nam Mỹ) hay Lào, Uzbekistan... (châu Á) trong các dự án hợp tác nghiên cứu, phát triển cây lương lực và cây thực phẩm.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Đào Thế Anh kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục xuất khẩu và chuyển giao nguồn gen cây lương thực, cây thực phẩm để trồng khảo nghiệm ở các nước châu Phi; chọn tạo giống cây trồng; tăng cường sản xuất hạt giống và chuyển giao kỹ thuật canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị thực phẩm.
Song song đó, tích cực hợp tác, trao đổi và đào tạo nguồn nhân lực cho các nước châu Phi; xây dựng Trung tâm xuất sắc Hợp tác nông nghiệp Nam - Nam và đề nghị sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO), Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và các tổ chức quốc tế khác…
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Mozambique tại Việt Nam Leonardo Rosario Manuel Pene cho biết, nhờ nhận được các phương thức sản xuất của Việt Nam, sản lượng nông nghiệp của Mozambique hiện đạt 7 tấn/ha, so với chỉ 2 tấn/ha vào năm 2010, thời điểm Việt Nam và Mozambique bắt đầu quá trình hợp tác. Đây là một thành tựu lớn lao.
Đại sứ Leonardo Rosario Manuel Pene cũng cho hay, Mozambique có khá nhiều lợi thế do nằm ở vị trí chiến lược đối với các thị trường trong khu vực và quốc tế. Mozambique có 86 triệu m2 đất nông nghiệp nhưng mới chỉ canh tác trên 5,2 triệu m2, có nghĩa là còn nhiều diện tích đất để có thể sinh lời. Mozambique có dân số 28 triệu người, với 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Ngành nông nghiệp được Hiến pháp quy định là nền tảng phát triển nên Chính phủ Mozambique đang hết sức nỗ lực để cải thiện tình hình sản xuất nông nghiệp của quốc gia.
Về nuôi trồng thủy sản, Đại sứ Leonardo Rosario Manuel Pene cũng nhấn mạnh tới những thành tựu đáng khích lệ trong quan hệ hợp tác giữa Mozambique và Việt Nam từ năm 2009. Thời điểm đó, Mozambique chỉ nuôi được 600 tấn cá/năm. Từ khi nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam vào năm 2009, hiện nay, Mozambique đã sản xuất được 3.000 tấn/năm. Đại sứ Leonardo Rosario Manuel Pene hy vọng Việt Nam có thể chuyển giao công nghệ, hệ thống tưới tiêu, các dịch vụ chế biến, đầu tư cơ sở hạ tầng cho Mozambique.
Nhân dịp này, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty Cổ phần Lavifood và Quỹ Khởi nghiệp xanh đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác nghiên cứu ứng dụng về khoa học nông nghiệp phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực Trung Đông - châu Phi.
* Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp mặt các Đại sứ Trung Đông - châu Phi năm 2019, Tọa đàm hợp tác kinh tế Pháp ngữ đã diễn ra với sự góp mặt của các Đại sứ các quốc gia Pháp ngữ và đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (BRAP).
Tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ tại châu Phi được xây dựng từ mối quan hệ hợp tác ba bên truyền thống, được tăng cường và củng cố thông qua nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm quý giá. Hiện tại, Việt Nam chú trọng hỗ trợ các nước Pháp ngữ tại châu Phi, đặc biệt các quốc gia Bắc Phi và Nam Sahara, phát triển trong các lĩnh vực như: gìn giữ hòa bình, y tế, giáo dục, viễn thông, cơ sở hạ tầng, thương mại…, với các chương trình hỗ trợ kinh tế vùng, phát triển doanh nghiệp và hợp tác đa quốc gia.
Việt Nam cũng luôn coi trọng đầu tư tại châu Phi, một thị trường rộng lớn với trên 1,2 tỷ dân. Ba lĩnh vực trọng tâm đầu tư Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam tại châu Phi hiện nay đó là: công nghiệp chế biến; doanh nghiệp; công nghệ số và truyền thông.
Các Đại sứ tham gia tọa đàm đều đánh giá cao vai trò của OIF, không chỉ là đầu mối liên kết mà còn là đối tác quan trọng góp phần để cộng đồng Pháp ngữ không chỉ là không gian liên kết chính trị, văn hóa, mà còn là nơi trao đổi các vấn đề kinh tế chung.