Khai thác tiềm năng khu vực Trung Đông-châu Phi
Tham luận tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã có những đột phá mạnh mẽ, hứa hẹn có nhiều chuyển biến mới trong thời gian tới. Nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp Việt Nam đã được đón nhận nhiều cơ hội cải thiện tình hình kinh doanh, tự do sáng tạo, làm giàu cho mình và cho đất nước; khẳng định vị thế doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài…
Việt Nam hiện là đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với các quốc gia Trung Đông – châu Phi, luôn coi trọng quan hệ và hợp tác trên các lĩnh vực đối với khu vực này. Gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, là điểm sáng trong quan hệ giữa hai bên trong năm 2018, với tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 20,5 tỷ USD, tăng 10,2%, trong đó Việt Nam xuất khẩu được 11,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng có bước phát triển tích cực, tiêu biểu như Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, ngoài ra đang thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác với các nước Trung Đông – châu Phi như khai khoáng, phân bón. Về đầu tư, tính hết năm 2018, đã có 33 nước, quốc gia và vùng lãnh thổ Trung Đông – châu Phi đầu tư vào Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Trung Đông – châu Phi là một thị trường rộng lớn, đây là yếu tố tiềm năng thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước. Kinh tế khu vực Trung Đông – châu Phi đã có bước phát triển tích cực, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi có tính chất bổ sung cho nhau.
Việt Nam đã xuất khẩu sang khu vực này những mặt hàng như: linh kiện, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nông sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, gạo, tiêu, cà phê, các loại thực phẩm chế biến, thép, gốm sứ, gỗ … Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu từ Trung Đông – châu Phi các mặt hàng như dầu thô, diezel, khí đốt hóa lỏng, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc, nguyên liệu hóa chất, nguyên liệu dệt may, da giày…
Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi là những đối tác thương mại quan trọng. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hy vọng cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp tục có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, cùng tháo gỡ khó khăn, tìm ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục khai thác tốt các cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi.
Tháo gỡ rào cản về logistics, phương thức thanh toán
Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Francis Efeduma, Đại sứ Nigeria tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam -Nigeria đã phát triển quan hệ hợp tác từ lâu, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn khiêm tốn.
Về triển vọng hợp tác giữa hai nước, ông Francis Efeduma khẳng định, Nigeria là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi, với thị trường tiềm năng khoảng 200 triệu dân. Việt Nam có nhiều thế mạnh trong nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực mà hai nước nên ưu tiên thúc đẩy hợp tác thương mại trong thời gian tới. Việc thúc đẩy giá trị gia tăng đối với những mặt hàng xuất khẩu chính là yếu tố quan trọng đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, giúp hai bên tận dụng lực lượng lao động, có cơ hội khai thác tiềm năng, giá trị của nguồn nhân lực, đồng thời mở rộng hợp tác thêm nhiều lĩnh vực khác.
Khẳng định trong tương quan với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi, hợp tác kinh tế giữa hai bên hiện tại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường chỉ ra một số nguyên nhân của hạn chế này. Đó là sự thiếu thông tin, hiểu biết về thị trường, luật lệ của mỗi bên; khó khăn về khoảng cách địa lý, cước phí vận chuyển hàng hóa, thanh toán…
Là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, các đại sứ, cơ quan đại diện của Việt Nam và các quốc gia Trung Đông-châu Phi cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối các doanh nghiệp hai bên, hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về các vấn đề pháp luật, tập quán…, giúp Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó tạo thuận lợi trong quá trình hợp tác kinh tế.
Về vấn đề đẩy mạnh thông tin, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho rằng, các đại sứ tại Việt Nam cần phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam thiết lập kênh thông tin thường xuyên, trao đổi ít nhất mỗi quý/lần về các vấn đề quan tâm của mỗi bên, với đầu mối thông tin là Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao Việt Nam). Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietjet Air Cargo Đỗ Xuân Quang cho rằng, để đảm bảo thương mại giữa khu vực Trung Đông – châu Phi và Việt Nam, vai trò của thuận lợi hóa giao thông vận tải, logistics và thanh toán có ý nghĩa rất lớn. Ông Quang nêu thực tế: Hiện nay, thời gian bay từ Việt Nam tới Trung Đông – châu Phi là từ 14 – 16 giờ, tương đương với đi Hoa Kỳ. Cước phí tàu biển và máy bay đều rất cao, gần gấp 3 lần cước phí vận chuyển đi châu Âu. Làm thế nào để phát triển vận chuyển hàng không từ Việt Nam đi Trung Đông – châu Phi, tháo gỡ rào cản về logistics, từ đó giảm giá thành và chi phí, tăng thế mạnh cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Trung Đông – châu Phi là bài toán đặt ra với nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, khó khăn trong vấn đề thanh toán cũng cần được giải quyết để sớm đảm bảo tính hiệu quả trong hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực kinh tế, bởi hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi còn nhiều vấn đề chưa tương thích, việc chờ đợi thanh toán mất nhiều thời gian, cần nhiều thủ tục, giấy tờ, nhất là việc thanh toán với các quốc gia Trung Phi và Bắc Phi.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội- Công ty Cổ phần (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho rằng: Với kinh nghiệm 15 năm hoạt động, phát triển, với hơn 30 đơn vị thành viên, hơn 4.000 người lao động, Hapro đã, đang có quan hệ hợp tác, xuất nhập khẩu thuận lợi với các nước Trung Đông-châu Phi. Đây là thị trường mới, tiềm năng, có nhu cầu hàng hóa gần với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường này cũng tồn tại một số khó khăn nhất định như: Chính sách thương mại ở khu vực này chưa ổn định, không nhất quán. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là phương thức thanh toán. Do tập quán, điều kiện kinh tế đặc thù nên phương thức thanh toán khu vực này còn chưa ổn định. Nhiều khách hàng châu Phi không muốn sử dụng hình thức thư tín dụng, hình thức thanh toán đảm bảo nhất hiện nay, lại sử dụng hình thức thanh toán chậm hoặc đặt cọc 20-30%, khi nhận hàng mới thanh toán hết.
Do đó, một số doanh nghiệp Việt Nam phải xuất hàng qua trung gian khiến sức cạnh tranh bị giảm, lợi nhuận thấp. Ông Nguyễn Tiến Vượng cho rằng, các ngân hàng cần mở rộng hoạt động ở khu vực này; cơ quan thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi cần đề xuất, tư vấn các đối tác tin cậy cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến về phương thức thanh toán, Giám đốc Trung tâm tác nghiệp tài trợ thương mại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Thị Thanh Nhàn cho biết, với thị trường Trung Đông, phương thức thanh toán gồm 3 hình thức: Chuyển tiền, nhờ thu và thư tín dụng đều không có vướng mắc. Các doanh nghiệp Trung Đông khá uy tín trong giao dịch, tuy nhiên họ yêu cầu chặt chẽ đối với chất lượng hàng hóa.
Với thị trường châu Phi, các phương thức thanh toán chủ yếu là hình thức trả chậm.Các doanh nghiệp châu Phi gặp khó khăn về năng lực tài chính, không ưa chuộng mở thư tín dụng. Họ khuyến khích chuyển hàng rồi mới thanh toán.
Bên cạnh đó, mức độ tin cậy của hệ thống ngân hàng châu Phi không cao, doanh nghiệp Việt thiếu thông tin về thị trường và đối tác, giữa người mua và người bán; khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu sự hiểu biết lẫn nhau. Bà Phan Thị Thanh Nhàn mong muốn đại diện các đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia châu Phi tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho các bên trong thời gian tới.