Thủy điện nhỏ khó cắt giảm lũ

Mỗi một dòng sông là một hệ sinh thái thống nhất, hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào việc phân định theo địa giới hành chính. Tuy nhiên, việc phân quyền quy hoạch cho các địa phương như hiện nay đã dẫn đến sự phát triển nóng, dày đặc TĐ vừa và nhỏ, để lại hậu quả là sự tàn phá các lưu vực sông, ngăn chặn dòng chảy tự nhiên xuống hạ lưu. Yêu cầu quy hoạch vì vậy phải dựa trên kết quả đánh giá môi trường chiến lược cho từng lưu vực và áp dụng quy hoạch phát triển tổng hợp lưu vực sông để có các lựa chọn dự án và quy mô phù hợp.


Ngoài chức năng sản xuất điện, đối với mỗi dự án, các cơ quan có thẩm quyền cần khẳng định rõ ràng và chính xác khả năng và chức năng của công trình đối với việc cắt, giảm lũ, chống hạn và cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường cho vùng hạ du. Xét tổng thể, theo quy hoạch trước khi rà soát trong tổng số dung tích phòng lũ của hệ thống thủy điện Việt Nam đạt khoảng 10,5 tỷ m3, thì đã có 10 tỷ m3 thuộc về 130 dự án TĐ vừa và lớn (trên 30MW), còn lại là hầu hết TĐ nhỏ (dưới 30MW) với hơn 1.100 dự án chỉ có dung tích hữu ích nhỏ khoảng 0,5 tỷ m3.

 

Nhiều khu dân cư ở xã Phú An, huyện Phú Vang Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong nước do hồ thủy điện thượng lưu xả lũ (chụp sáng 16/11).
Quốc Việt - TTXVN

Với số liệu này, việc gắn cho hệ thống TĐ nhỏ chức năng cắt, giảm lũ vùng hạ lưu là không đáng tin cậy. Trong nhiều trường hợp, các công trình thủy điện nhỏ còn khiến tình trạng ngập lụt cục bộ trở nên trầm trọng hơn. Hậu quả xả lũ mà các TĐ ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Gia Lai và Kon Tum gây ra trong thời gian vừa qua là một bằng chứng. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch đối với các dự án TĐ có nguy cơ gây tổn thương cao do xả lũ, đặc biệt là các công trình ở những nơi có địa hình dốc và ngắn như khu vực miền Trung.

 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng TĐ với diện tích 19.792 ha. Cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế được 735 ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu.


Ngoài ra, việc bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ và đặc dụng trên các lưu vực sông là tối quan trọng. Đây cũng là lá chắn, bảo đảm nguồn nước và an toàn cho hoạt động của các nhà máy TĐ. Tuy nhiên, trên thực tế TĐ vẫn được nhìn nhận là “những dự án mang tên phá rừng” bởi vì nhiều công trình TĐ phá rừng nhiều hơn diện tích được phép chặt hạ, không kể các diện tích lấn chiếm và phá rừng trái phép ở các khu tái định cư. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến tháng 5/2013, mới chỉ có hơn 2% diện tích rừng được trồng thay thế trong tổng số 50.930 ha đất rừng đã được sử dụng cho các dự án TĐ. Trong khi đó, chỉ tính riêng 37 dự án TĐ công suất lớn hơn 60 MW của Tập đoàn điện lực Việt Nam đã sử dụng gần 37.000 ha đất rừng.


Kết quả giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cho thấy, nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế. Trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án TĐ trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư… chưa xác định rõ. Nguyên nhân chính của hạn chế nêu trên là chưa có hướng dẫn kịp thời về vấn đề này như bố trí trồng rừng tại địa phương khác hoặc nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất trồng rừng thay thế…


Về dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trong thời gian vừa qua, nhiều nhà máy TĐ đã chi trả phí DVMTR cho các địa phương thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng mức khoán bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo... Tuy nhiên, nhiều nhà máy TĐ hiện chưa nộp phí DVMTR với lý do khó khăn về tài chính, trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan lại chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các nhà máy TĐ này. Tại một số dự án TĐ, có đối tượng đã lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn nhiều so với yêu cầu, lợi dụng hạ tầng công trình TĐ để khai thác khoáng sản trái phép.


Ủy ban KH,CN&MT cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tích cực thực hiện quy định hướng dẫn về trồng rừng thay thế mới được ban hành; tổng hợp, cung cấp số liệu thực tế diện tích đất rừng đã được chuyển mục đích cho các dự án, công trình TĐ; làm rõ diện tích rừng trồng thay thế vì theo tính toán ban đầu dựa trên định mức sử dụng đất rừng và công suất của các dự án TĐ thì diện tích rừng đã được trồng thay thế thấp hơn khá nhiều so với các số liệu nêu trên.

V.T 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN