Thương hiệu Quốc gia và sứ mệnh của doanh nghiệp

Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) năm 2012 vừa vinh danh 54 doanh nghiệp (DN) đạt danh hiệu THQG năm 2012. Trong số 54 DN đạt THQG 2012 có 37 DN đã đạt THQG năm 2010; có 25 DN lần thứ 3 liên tiếp đạt THQG. Phát biểu tại buổi gặp gỡ 54 DN đạt THQG, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đánh giá cao nỗ lực của các DN trong việc phát triển sản xuất kinh doanh cũng như trong việc xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ.


“Đối với mỗi đất nước, các DN có vai trò là cỗ xe đẩy cho nền kinh tế phát triển. Đảng, Chính phủ cũng đánh giá rất cao vai trò của DN trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đối với việc xây dựng và phát triển THQG, vai trò của DN cũng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh. Để khẳng định vị thế của THQG, Chủ tịch nước mong muốn, 54 DN THQG phải có ý chí vươn lên mạnh mẽ để trước hết phải là nòng cốt trong ngành hàng của mình, tiếp đó là khẳng định được uy tín chất lượng hàng hóa sản phẩm Việt Nam ngay tại thị trường nội địa cũng như thị trường thế giới.


Nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp


Báo cáo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi gặp gỡ các DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đánh giá rất cao nỗ lực phấn đấu của các DN đạt THQG 2012. Theo đó, năm 2012, các DN tham gia chương trình đã ký kết được hợp đồng và đạt doanh số bán hàng trị giá trên 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gặp khó khăn thách thức, các DN đạt THQG đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, đặc biệt có DN tăng trưởng đến 207%.

Tổng giám đốc Vinacafé Biên Hòa Phạm Quang Vũ nhận biểu trưng Thương hiệu quốc gia 2012.Ảnh: Huy hùng – TTXVN


Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Đỗ Thắng Hải, tiêu chí để được công nhận DN là THQG khá khắt khe, theo đó, DN phải đạt ba giá trị cốt lõi của chương trình THQG là: “Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong”. Thực tế, các DN đạt THQG đã luôn nỗ lực nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu sản phẩm của chính các DN, tích cực giúp các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các hiệp hội ngành hàng tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường trong nước và thế giới, mang tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, ngành hàng... Trong lần thứ ba được tổ chức, đã có trên 2.000 DN trực tiếp đăng ký hoặc được giới thiệu đăng ký tham gia chương trình THQG năm 2012. Qua nhiều bước bình chọn, chương trình chọn vinh danh 54 DN có sản phẩm đạt danh hiệu THQG Việt Nam 2012 trong đó có 37 DN đã đạt THQG năm 2010 và có 25 DN lần thứ 3 liên tiếp đạt danh hiệu này. “Các DN có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn phải có vị thế dẫn đầu ngành và cùng chia sẻ, theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định.


Tại buổi gặp gỡ 54 DN đạt danh hiệu THQG, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng và phát biểu ý kiến của các DN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đánh giá rất cao nỗ lực của các DN đạt THQG. Chủ tịch nước cho rằng, không chỉ chịu tác động từ những khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, các DN Việt Nam đang phải cạnh tranh rất lớn với các DN nước ngoài có mặt ở thị trường Việt Nam cũng như ở thị trường thế giới. Dù kinh tế khó khăn nhưng thị trường Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn rất lớn với các DN nước ngoài. Hàng ngày, trên truyền hình, các DN nước ngoài quảng bá rất rầm rộ về sản phẩm hàng hóa của họ. Thậm chí, với tiềm lực kinh tế mạnh, các DN nước ngoài còn chấp nhận chịu lỗ trong thời gian đầu để thu hút người tiêu dùng và cạnh tranh với DN của Việt Nam. Đây là thực tế rất khó khăn với DN trong nước, vốn có tiềm lực kinh tế còn hạn chế, sức cạnh tranh về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không cao. Vì thế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và áp lực cạnh tranh lớn, Chủ tịch nước đánh giá rất cao nỗ lực của cộng đồng DN.


Việc xây dựng thương hiệu luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của DN cũng như của cả nền kinh tế. Phát biểu tại lễ công bố DN đạt THQG đầu tuần này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá cao nỗ lực và phát triển thương hiệu trong điều kiện kinh tế khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo phát triển ổn định kinh tế vĩ mô, bài toán tăng trưởng và lạm phát luôn được đặt ra. Thời gian qua, do thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát nên Chính phủ buộc phải thực thi các biện pháp kiểm soát tiền tệ. Điều này đã gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên, hiện lạm phát đã được kiểm soát là điều kiện rất tốt để hạ lãi suất và mở rộng tín dụng… nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các biện pháp giảm thuế, hỗ trợ về thị trường.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, năm 2013, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng Chính phủ sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách và giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất một cách bền vững để tạo điều kiện cho DN phát triển hơn nữa. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các DN cần tập trung khai thác tốt hơn thị trường trong nước và mở rộng hơn nữa thị trường nước ngoài. Đặc biệt, cùng với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN phải nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm để lấy được niềm tin của khách hàng, bởi có khách hàng thì DN mới có thể tồn tại. Bên cạnh đó, các DN cần tập trung nâng cao trình độ khoa học công nghệ của sản phẩm.


Theo Ban Thư ký chương trình THQG, các DN có thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình THQG được phép gắn nhãn sản phẩm quốc gia trên sản phẩm (theo Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng của chương trình); được tham gia các hoạt động có hỗ trợ của chương trình THQG từ nguồn ngân sách nhà nước và mức hỗ trợ theo quy định; được ưu tiên lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế và các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia do chương trình "Thương hiệu quốc gia" đề xuất. Các DN sẽ được hỗ trợ, tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý ở trong, ngoài nước; được sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, sản phẩm và khách hàng của chương trình… Đây có thể coi là những "bệ đỡ" quan trọng đối với các DN trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình không chỉ ở trong nước mà cả trên trường quốc tế.


Khát vọng chiếm lĩnh thị trường


Việc đạt danh hiệu THQG là vinh dự nhưng cũng là trọng trách rất lớn của cộng đồng DN. Đối với các DN đạt THQG, lãnh đạo Nhà nước càng kỳ vọng ở các DN sức phát triển và vươn lên mạnh mẽ trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như trong việc phát triển thương hiệu DN và THQG. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Để vượt khó và phát triển, các DN phải có sức vươn lên mạnh mẽ. Các DN đạt THQG không được thỏa mãn với những thành tích đã đạt được mà cần có ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi DN cần phải là nòng cốt trong lĩnh vực ngành nghề của mình. Các DN đạt THQG trước tiên cần phải chiếm lĩnh thị trường nội địa vì đây là thị trường hết sức tiềm năng. Việc xây dựng được thương hiệu ở thị trường nội địa sẽ là bàn đạp để DN tiến công mạnh mẽ hơn ra thị trường thế giới”.


Chủ tịch nước cũng lưu ý: “Trong quá trình hội nhập, cùng với việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, Việt Nam và các đối tác đang thực hiện lộ trình giảm thuế và mở cửa thị trường ngày càng sâu rộng. Điều này tạo ra sức ép rất lớn đối với DN trong việc nâng cao sức cạnh tranh cũng như việc xây dựng và khẳng định thương hiệu. Nếu có thương hiệu mang tầm quốc gia thì DN và các ngành hàng sẽ có điều kiện tốt để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xâm nhập thị trường thế giới”.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng kêu gọi, các THQG phát huy tinh thần đoàn kết để cùng nhau xây dựng thương hiệu ngành hàng mạnh: “Có thực tế là khi ra thị trường thế giới, thay vì đoàn kết để tạo nên sức mạnh thì có hiện tượng các DN cạnh tranh về giá bán, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín DN cũng như sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Nếu các DN không đoàn kết trong việc xây dựng thương hiệu, phía đối tác nước ngoài có thể lợi dụng để ép giá, gây thua thiệt rất lớn cho DN”. Chương trình THQG là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Đây là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.


Được tiến hành từ năm 2008 đến nay, chương trình THQG đã chủ trì và phối hợp với nhiều cơ quan Chính phủ, hiệp hội DN, giới truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho DN như: Tổ chức diễn đàn THQG thường niên, đào tạo cho hàng nghìn DN trong cả nước về phát triển kinh doanh và xây dựng thương hiệu; đưa nội dung xây dựng và phát triển thương hiệu và tiếp thị địa phương là một chuyên đề đào tạo trong các khóa tập huấn về xúc tiến thương mại. Đến nay, thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với hàng trăm đề án hoạt động được phê duyệt và thực hiện hàng năm, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các hiệp hội ngành hàng có điều kiện quảng bá thương hiệu, tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường trong nước và thế giới. Trong năm 2012, qua các hoạt động này, các DN đã ký kết được hợp đồng với giá trị và doanh số bán hàng đạt gần 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng. Chương trình còn tổ chức hơn 40 khóa tập huấn trong lĩnh vực xúc tiến thương mại (XTTM); cung cấp thông tin, tư vấn cho hàng nghìn lượt DN; giới thiệu và xúc tiến các hoạt động thương mại tại các thị trường lớn như Mỹ, Ôxtrâylia, EU và Nhật Bản; tập huấn đào tạo; cung cấp miễn phí hồ sơ của 10 thị trường xuất khẩu… Trong đó, các DN đạt THQG luôn được ưu tiên lựa chọn và tham gia tích cực các hoạt động này với tư cách là các thương hiệu đại diện cho ngành hàng và THQG Việt Nam.


Chương trình THQG cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp đạt THQG khi tiến hành các hoạt động kinh doanh, phát triển thị trường, bảo hộ thương hiệu tại nước ngoài. Chương trình THQG cũng tạo điều kiện cho các DN trong sản xuất kinh doanh cũng như tham gia các hoạt động được hỗ trợ bởi ngân sách nhà nước.


Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, đại sứ quán và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức XTTM quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề và cơ quan liên quan tổ chức nhiều hình thức quảng bá phong phú cho chương trình và các thương hiệu sản phẩm tham gia chương trình tại các sự kiện XTTM trong nước và quốc tế như: Các kỳ hội chợ quốc tế Vietnam Expo; Hội nghị APEC 2006; Triển lãm, hội chợ thương mại tại các nước ASEAN và các khu vực thị trường mục tiêu, tuần lễ Việt Nam tại nước ngoài…


Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, từ năm 2012 trở đi, chương trình THQG sẽ tập trung xây dựng môi trường phát triển thương hiệu thuận lợi thông qua việc phối hợp các chương trình và hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các bộ, ngành và tổ chức hữu quan đang thực hiện nhằm tạo lập cơ chế chính sách đồng bộ và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chương trình THQG cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động đào tạo, tư vấn và thông tin nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, phát triển xuất khẩu, mở mang thị trường nội địa làm nền tảng để xây dựng THQG. Xây dựng và phát triển thương hiệu theo ngành hàng thông qua hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành. Tăng cường quảng bá chương trình THQG và các sản phẩm đạt THQG thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng, các sự kiện thương mại quốc tế trong và ngoài nước và giáo dục ý thức tự hào dân tộc bằng việc sử dụng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.


Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải lưu ý, chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt THQG chỉ là sự khởi đầu để các DN trở thành đối tác của chương trình. Do đó, vai trò của DN trong việc xây dựng thương hiệu của DN cũng như trong xây dựng hình ảnh quốc gia về thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam là hết sức quan trọng.


Bản thân các DN cũng nhận thức rất rõ rằng, sự hình thành và phát triển THQG đòi hỏi sự nỗ lực lớn của bản thân DN. Các thương hiệu lớn đều là kết quả của các tập đoàn và công ty lớn đầy hoài bão gây dựng nên. “Các DN phải có một khát khao cháy bỏng chinh phục thế giới, tạo ra một thương hiệu toàn cầu cho Việt Nam. Hơn nữa, DN phải xác lập được vị thế số một tại thị trường nội địa. Đối với các DN đến từ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, không chiếm lĩnh được thị trường nội địa thì không thể vươn lên tầm quốc tế, nơi sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều”, một đại diện chia sẻ.

 

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN