Giá vàng nới rộng đà giảm của phiên ngày 25/9. Theo các chuyên gia phân tích, báo cáo việc làm của Mỹ, dự kiến công bố cuối tuần này, có thể làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất trong năm nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.132,53 USD/ounce vào lúc 1 giờ 15 phút sáng nay giờ Việt Nam. Trước đó, giá kim loại này đã có lúc giảm 1,5% xuống 1.127,70 USD/ounce, mức giảm nhiều nhất kể từ ngày 9/9. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12/2015 giảm 1,2% xuống 1.131,70 USD/ounce.
Theo dự kiến, m ột vài quan chức của FED sẽ có bài phát biểu trong tuần này, với trọng tâm là chính sách tiền tệ của Mỹ. Các nhà giao dịch vàng cũng đang theo dõi sát sao số liệu kinh tế của Mỹ như báo cáo lượng việc làm trong khu vực phi nông nghiệp - dự kiến công bố ngày 2/10 - để đánh giá “thể trạng” nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Tính từ đầu năm đến nay, vàng đã để mất 3% giá trị do những lo ngại về khả năng nhu cầu có thể bị ảnh hưởng trong môi trường lãi suất sao.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim đã giảm 3% xuống 915,74 USD/ounce vào chiều ngày 28/9. Giá bạch kim trong phiên này đã lúc rớt xuống mức thấp nhất của 6 năm rưỡi qua là 914,25 USD/ounce.
Trong tuần trước, giá bạch kim đã chứng kiến mức giảm nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng Bảy do lo ngại về vụ bê bối khí thải của Volkswagen mà có thể khiến nhu cầu đối với xe ô tô chạy dầu diesel sụt giảm.
Mối lo về thực trạng và viễn cảnh của nền kinh tế Trung Quốc khiến giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 28/9 giảm mạnh.
Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2015 giảm 1,27 USD xuống 44,43 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,26 USD xuống 47,34 USD/thùng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Một số chuyên gia cho rằng thông tin về lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Tám giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 là nguyên nhân chính gây áp lực lên giá dầu trong phiên này.
Thông tin trên tiếp tục báo hiệu về xu hướng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, dẫn đến tình trạng bán tháo ở nhiều thị trường, trong đó có dầu mỏ và chứng khoán.
Thị trường dầu mỏ cũng phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Trả lời phỏng vấn báo Les Echos (Pháp), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết có khả năng IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2015 và 2016, do tình hình kinh tế của Trung Quốc và nhiều thị trường mới nổi khác giảm tốc.