Nhân Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày quốc phòng toàn dân:

Thế trận lòng dân ở vùng biên Mô Rai

“Nhờ bộ đội ở Công ty 78 (Công ty TNHH MTV 78)-Binh đoàn 15 mà bà con ở Mô Rai đã biết trồng lúa nước, cao su. “Giờ nhà mình mỗi ngày thu nhập khoảng 400.000 đồng từ cây cao su”, anh Rơ Châm Thập ở làng Rẻ, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy hồ hởi khoe với chúng tôi. Đây là năm đầu tiên, hộ đầu tiên trong Mô Rai được thu mủ cao su từ vườn cây cao su do Công ty 78 hỗ trợ trồng.


Năm 2007, với mong muốn giúp người dân trong vùng xóa đói, giảm nghèo bền vững, Công ty 78 đã triển khai hỗ trợ người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên này trồng cây cao su. Theo đó, nhà Rơ Châm Len (bố Rơ Châm Thập) và A Lá (ở làng Rẻ), A Phích (ở làng Le) được chọn là điểm để trồng. Đây là việc lạ vì trong làng, xã chẳng người dân nào tự trồng cao su. Ai cũng sợ vì không biết trồng, chăm sóc. Bản thân người dân lo miếng ăn hàng ngày cũng đã mệt thì lấy đâu ra tiền mà trồng cao su…


Giúp dân xóa nghèo bền vững


Đường vào rẫy, mặc dù phải lội suối, băng đồi nhưng cái chân của Thập nó cứ thoăn thoắt. Có lẽ cái bụng của Thập rất vui nên rất hý hửng mỗi khi vào thăm rẫy của gia đình.“Nhà báo đưa tin thì mọi người biết và sẽ làm theo. Bộ đội giúp bà con. Nhờ nghe bộ đội 78 mà nhà mình giờ no ấm lên rồi”, Rơ Châm Thập tâm sự. Quả thật, nhìn rẫy cao su nhà Rơ Châm Len thì mới thấy công sức của mọi người bỏ ra để có được quả ngọt hôm nay. Rẫy nằm cạnh dưới chân núi, phải lội suối, băng đồi chưa kể việc trồng chăm sóc nữa. Một kỳ công cho những ai cùng làm.

 

Công ty 78 hiện có 9 đội sản xuất kết nghĩa với các thôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số.


Đại úy Nguyễn Văn Tiến (Công ty 78)-là trí thức trẻ tình nguyện tham gia dự án xóa nghèo bền vững cho dân cho biết thêm: Ngày đó, công ty đã hỗ trợ từ giống, đến phân bón, kỹ thuật. Ngoài 3 kỹ sư nông nghiệp được công ty cử xuống ở cùng dân để tham gia trồng, chăm sóc cây thì đội 10 và đội 3 cũng cử công nhân xuống trực tiếp giúp dân.


Tiếp nối thành công, những năm qua, Công ty 78 đã tiếp tục triển khai mở rộng dự án này. Theo đó, công ty chủ trương mỗi đội sẽ kết nghĩa một làng. Tại làng kết nghĩa, đội sẽ hỗ trợ trồng ít nhất 2 ha cao su mẫu để giúp dân thấy, làm theo. Chị Y Điếc ở làng Le cho biết: “Người dân Mô Rai ai cũng quý bộ đội. Bộ đội luôn giúp dân. Ngày đó, trong làng còn nhiều gia đình khó khăn, cần giúp đỡ lắm nên nhà mình tự trồng 1 ha cao su làm theo bộ đội. Giờ đã cho thu hoạch. Thời gian tới mình sẽ trồng thêm cao su”. Trong khi đó, nhà Y Điết ở làng Le tham gia trồng ban đầu, đến nay gia đình tự trồng và mở rộng diện tích cao su lên 5 ha…


Sau một thời gian triển khai dự án giúp dân trồng cao su, đến nay Công ty 78 đã hỗ trợ và giúp người dân ở 7 làng trong xã Mô Rai trồng được gần khoảng 70 ha. Người dân còn trồng thêm khoảng 100 ha khác. Chỉ 2-3 năm tới, hàng loạt diện tích cao su sẽ bắt đầu cho cạo mủ. Đây sẽ là nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân...


Theo anh Nguyễn Thăng Thanh, Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Công ty 78: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật cạo, thu mủ cho dân. Việc làm này không chỉ giúp dân thu mủ mà còn giúp các gia đình tăng năng suất cao nhất trên một diện tích, bảo vệ chất lượng cây trồng, kéo dài tuổi thọ cho cây. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân có nhu cầu mở rộng diện tích cao su trong mỗi hộ. Tất cả sản phẩm làm ra sẽ được công ty bảo đảm bao tiêu hết. Đây được xem là cách xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất cho dân.


“Gắn kết hộ”- mô hình bền vững ở vùng biên


Bên cạnh việc hỗ trợ dân ổn định sản xuất, hướng đến xóa nghèo bền vững, Công ty 78 còn chủ trương phát triển mô hình “Gắn kết hộ” đến từng hộ gia đình. Theo đó, công ty sẽ gắn kết với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, công ty có 9 đội sản xuất kết nghĩa với 7 thôn làng. Đến nay, tất cả 424 hộ công nhân trong toàn công ty đã kết nghĩa với các hộ dân trong từng thôn làng.


Thông qua mô hình “Gắn kết hộ” mà bao năm qua các phong tục, tập quán lạc hậu tồn tại bao đời nay trong các thôn làng ở Mô Rai đã dần bị xóa bỏ, cải tiến theo hướng giản đơn và thiết thực. Năm 2007, khi con trai của A Thu ở làng Le bị sốt xuất huyết. Cả nhà bảo mọi người làm gà cúng Yàng. Anh Tiến và các hộ gắn kết trong làng đã đến vận động A Thu đưa con ra trạm xá điều trị. Sau khi con khỏi, A Thu thay vì cúng Yàng, anh đã dùng gà đãi mọi người một bữa cơm ấm nồng.

Sau này, mọi người nói vui đó không chỉ là bữa cúng mừng cho con của A Thu, mà từ hiệu quả của việc điều trị này, dân làng bắt đầu có những chuyển biến mới về nhận thức. Người dân bắt đầu quen với việc đưa người bệnh đến trạm xá điều trị… Đến nay, xã Mô Rai không còn cảnh cúng bái khi có người đau. Mọi người biết ăn chín, uống sôi. Các tập tục, lễ cúng truyền thống cũng đơn giản, gọn nhẹ. “Hiện tại khoảng 80% các phong tục đã được xoá bỏ”, anh Tiến khẳng định.


Có thể nói, mô hình “Gắn kết hộ” đã giúp người dân gắn bó với nhau hơn. Mọi người thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ nhau. Trong năm 2013, để nâng cao chất lượng và hiệu quả mô hình trên, công ty đã phát động phong trào “Vườn rau xanh gắn kết” nhằm tạo điều kiện cho mọi người đoàn kết hơn nữa, giúp người dân thâm canh, tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiện tại, dọc các con đường trong làng, những mô hình rau xanh trồng trước sân nhà khá nhiều. Các vườn rau đều được rào chắn, vun xới, chăm bón cẩn thận nên phát triển khá tốt. Nhờ vậy mà Mô Rai đã dần chủ động nguồn rau, không còn phụ thuộc từ bên ngoài.


Theo anh Trần Đức Ngọc-Phụ trách tổ trại giống công ty: Qua các phong trào, chúng tôi đã giúp, hướng dẫn người dân không thả rông gia súc, tận dụng cám, gạo, sắn có sẵn trong dân phơi khô, nghiền làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cùng đó là các cách phòng chống bệnh cho chúng. Các vườn rau cũng đã góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho người dân.


Các hộ liên kết cũng thường xuyên phát động các phong trào, nhờ vậy tạo được hiệu quả rõ nét trong nhận thức của mỗi cá nhân. Các hộ gia đình đã phối hợp với công ty triển khai tu sửa được 150 km đường giao thông liên thôn, phát triển tuyến đường điện từ xã Rờ Kơi về tới làng Thanh niên. Những hoạt động trên, cùng các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, giáo dục… đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng.


Anh Nguyễn Thăng Thanh khẳng định: Mô hình gắn kết hộ đã thực sự mang lại luồng sinh khí mới trong cộng đồng dân cư ở các buôn, làng mà đơn vị đứng chân. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Thế trận Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố, tạo điều kiện cho đơn vị triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững mạnh.


Bài và ảnh:Cao Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN