Thế trận biên phòng toàn dân

Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp và vai trò nòng cốt chuyên trách, Bộ đội Biên phòng đã xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân gắn với thế trận Quốc phòng toàn dân và thế trận An ninh nhân dân vững chắc; tổ chức tốt các hoạt động tuần tra quan sát bảo vệ biên giới; đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.


Trong cái rét cắt da cắt thịt những ngày cuối năm, chúng tôi được tham gia phát quang đường thông tầm nhìn biên giới với bà con các thôn, bản giáp biên thuộc xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn). Dù trời vẫn còn tối sẫm nhưng mọi người đã lục tục dậy chuẩn bị cho buổi lao động. Theo hướng dẫn của các chiến sĩ Biên phòng Đồn Biên phòng Chi Ma (Lộc Bình), người dân các bản chia nhau từng đoạn đường biên giới để dọn cỏ, lau lách để thông tầm nhìn. Tuy đường trơn, gió rét, dốc núi trơn trượt nhưng tay cuốc, tay dao ai ai cũng hồ hởi, hăng say lao động. Chị Lộc Thị Huệ, thôn Nà Quân, xã Yên Khoái cho biết: Hàng năm chúng tôi đều tham gia cùng bộ đội Biên phòng phát quang đường biên giới, mọi người tích cực tham gia bởi đây là vinh dự và cũng là công việc thiết thực để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

 

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hữu Nghị (Lạng Sơn) xử lý hàng buôn lậu. Ảnh: Viết Tôn


Quả thật, lâu lắm rồi chúng tôi lại mới được chứng kiến một buổi lao động đông vui như vậy. Người già có, thanh niên có, nam nữ đủ cả, không ai bảo ai, mọi người phấn khởi, tự nguyện tham gia lao động hăng say; tiếng cười, tiếng nói vang vọng át cả cái mưa gió, giá lạnh miền biên ải. Mới đến gần 10 giờ trưa mà cả đoạn đường biên giới do nhân dân bản Nà Quân phụ trách phát quang vắt qua hai ngọn núi đã xong; đứng từ ngọn núi cao nhất, chúng tôi được phóng tầm mắt dọc đường biên hàng trăm mét thầm cảm phục sức lao động sáng tạo của người dân nơi đây bởi đường biên chạy từ vực sâu lên đỉnh núi, mưa gió, trơn trượt vậy mà chỉ một buổi sáng đồng bào đã phát quang hàng trăm mét phục vụ cho công tác tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới ở cửa ngõ Đông Bắc của Tổ Quốc có đường biên giới dài 231,740 km với 474 cột mốc giới, hai cửa khẩu Quốc tế và 10 cửa khẩu phụ. Khu vực biên giới gồm 20 xã, 1 thị trấn với 247 thôn bản; dân số trên 62.000 nhân khẩu gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh và Hoa cùng sinh sống đan xen.


Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đến nay Lạng Sơn đã tổ chức giao đoạn đường biên dài trên 228 km và 464 cột mốc quốc giới đến 722 hộ gia đình và 25 tập thể ở thôn bản giáp biên có ruộng nương canh tác sát biên giới; có gần 5.000 lượt dân quân tham gia tuần tra, kiểm tra biên giới cùng Bộ đội Biên phòng. Nhân dân tham gia trên 1.500 buổi với hơn 7.800 ngày công phát quang 31 đoạn với gần 42 km đường thông tầm nhìn biên giới và 87 km đường tuần tra biên giới; xây kè bảo vệ 39 vị trí chân cột mốc.


Qua 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, giai đoạn (2009-2014), khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn ngày càng có sự thay đổi tích cực; kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư mang lại lợi ích thiết thực. Đến nay đã có trên 98% số hộ dân ở khu vực biên giới được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 55% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; xây dựng mới 147 công trình trường học; 5 trạm y tế; làm mới 42 km đường ra biên giới, trên 100 km đường bê tông thôn, bản… Kinh tế, dịch vụ thương mại, nông lâm nghiệp phát triển khá; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.


Chia tay người dân xã biên giới Yên Khoái ra về, những cây đào ven đường đã bật ra những mầm xuân tươi thắm, trong lòng chúng tôi thầm cảm phục và biết đồng bào các dân tộc anh em sinh sống miền biên ải, những người luôn vượt mọi khó khăn, gắn bó nâng niu, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thái Thuần

Rất cần đào tạo y sĩ biên phòng trở thành bác sỹ

Hiện nay Nhà nước có chủ trương đưa một số y bác sỹ trẻ về các xã vùng cao biên giới công tác, sau vài năm số y bác sỹ trẻ này lại xin về đô thị. Như vậy việc khám chữa bệnh cho nhân dân cũng chỉ như giải quyết tình thế. Trong khí đó, BĐBP có gần 1.000 y sỹ đang đóng quân ở các đồn biên phòng từ Bắc tới Nam. Những y sỹ này đang ngày đêm tham gia và thực hiện nhiệm vụ quân dân y kết hợp giúp đỡ đồng bào vùng biên, nếu họ được đào tạo thành bác sỹ sẽ góp phần nâng cao trình độ khám chữa bệnh cho nhân dân vùng biên giới rất nhiều, nhất là những nơi xa trung tâm y tế lớn. Bởi gần 1.000 y sỹ này họ “cắm cả đời mình” với vùng biên giới, nên nếu họ được đào tạo trở thành bác sỹ thì sự nghiệp y tế vùng biên sẽ được cải thiện ít nhiều.

Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội biên phòng .

 

Bảo vệ biên giới, nòng cốt là BĐBP

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trước hết phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ yên tâm gắn bó với biên giới, với đồng bào dân tộc, làm cho mỗi cán bộ chiến sỹ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn được phân công phụ trách là nhiệm vụ hàng đầu. Nhận thức được việc xây dựng biên giới lòng dân, là điều kiện tiên quyết để BĐBP hoàn thành nhiệm vụ của mình, cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Pa Ủ tỉnh lai Châu đã gọi được người dân đang sống du canh, du cư trên các triền núi cao giáp biên giới về lập bản, dựng nhà, mở lớp dạy xóa mù chữ cho học sinh, khám chữa bệnh cho nhân dân.

Trung tá Lò Văn Hiêng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Pa Ủ (Lai Châu)

 

Coi trọng công tác vận động quần chúng

Đóng quân trên địa bàn đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) luôn đồng cam, cộng khổ với nhân dân địa phương. Là chiến sỹ quân y, qua 8 năm công tác ở Đồn biên phòng Mường Lèo tôi luôn lăn lộn cơ sở, khám và cứu chữa nhiều ca bệnh hiểm nghèo cho nhân dân các dân tộc vùng biên giới. Ở đây nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là giao thông đi lại; đồng bào vùng sâu, vùng xa còn có tập quán chăn thả, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà. Nhận thấy việc làm gây mất vệ sinh đó, cán bộ chiến sỹ của Đồn đã vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh, đưa chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà, hướng dẫn bà con ăn chín, uống sôi.

Thượng sỹ Nguyễn Văn Sông, Đồn biên phòng Mường Lèo


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN