Vẫn là tiềm năng
Tại diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam vừa được tổ chức vào ngày 17 -18/11 mới đây, nhiều ý kiến từ đại diện các ngân hàng nhận định, thị trường ngân hàng bán lẻ hiện nay rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt trong thời buổi công nghệ số thì phương thức giao dịch, thanh toán điện tử, online càng phổ biến.
Theo ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), khái niệm “Bank 4.0” đang được nhắc tới trong thế hệ ngân hàng hiện đại. Nghĩa là khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng mà không cần đến ngân hàng. Đây cũng chính là lí do vì sao các ngân hàng không đẩy mạnh các phòng giao dịch như trước mà đua nhau mở rộng các điểm chấp nhận thẻ và phát hành thẻ tín dụng để cạnh tranh khách hàng.
Việc đa dạng các dịch vụ hấp dẫn và tối ưu hóa lợi ích thẻ sẽ kích thích người dân thanh toán qua thẻ nhiều hơn. |
Thực tế cho thấy, chỉ một cửa hàng, một điểm kinh doanh mới được mở ra, tín dụng ngân hàng sẽ có mặt ngay để “xin” lắp đặt máy Pos. Thậm chí, ngay các hãng taxi cũng được trang bị máy Pos để khách hàng có thể tiện dụng chi trả bất cứ lúc nào mà không cần tiền mặt. Hay những ứng dụng, những trang web mua bán trên mạng có thể tích hợp một lúc với nhiều ngân hàng thanh toán thẻ nhằm thuận tiện cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Uber, Alibaba… là một trong nhiều công ty dẫn đầu về sử dụng công nghệ và đã rất thành công.
Lãng phí lớn do không sử dụng
Thời gian qua các ngân hàng trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam đều đua nhau phát hành thẻ tín dụng nhằm thúc đẩy người dùng. Thậm chí, các ngân hàng còn cạnh tranh nhau bằng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi mở thẻ, tinh giản những thủ tục để thẻ tín dụng đến tay người dùng dễ dàng hơn. Việc đẩy mạnh phát hành thẻ khiến người dùng có khi sở hữu nhiều thẻ tín dụng cùng lúc.
“Thay vì chạy đua trong việc phát hành thẻ thì các ngân hàng cần tối ưu hóa dịch vụ thẻ bằng cách gia tăng nhiều dịch vụ hấp dẫn để thu hút khách hàng, đồng thời phải phổ cập đến đông đảo người dân biết và sử dụng”. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng |
Chị Hải Hà, công chức tại một cơ quan nhà nước ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh), cho biết hiện nay chị có đến 4 thẻ tín dụng trong tay, chưa kể các thẻ ATM nội địa, hạn mức nào cũng cao gấp hơn 5 lần tổng thu nhập trung bình của chị (khoảng 7 triệu đồng/tháng). Theo chị Hà, trước đây vài năm làm thẻ tín dụng rất khó, nhưng giờ đây, chỉ cần dựa vào tiểu sử mức tín dụng thẻ ngân hàng chị đang có, cộng với chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu là chị có ngay thẻ tín dụng khác có hạn mức tương đương hoặc cao hơn.
Tuy nhiên, do sợ “nợ nần chồng chất” với lãi suất ngày càng tăng do thu nhập không đủ để thanh toán hết nợ một lúc, rất nhiều người làm thẻ rồi để đó, chỉ sử dụng 1, cùng lắm là 2 thẻ để tránh những khoản nợ phát sinh khác. Nhiều ngân hàng thừa nhận, mặc dù thị trường ngân hàng bán lẻ rất tiềm năng nhưng tỷ trọng mảng bán lẻ mới chỉ chiếm khoảng 20% vào tổng doanh thu trong hoạt động ngân hàng Việt Nam.
Thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cũng cho thấy, hiện lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt gần 86 triệu thẻ, tăng 30% so với cuối năm 2013, trong đó gần 90% là thẻ nội địa và 10% là thẻ quốc tế. Đây được xem là mức độ tăng trưởng tốt nhưng lại đang có dấu hiệu lãng phí do không khai thác một cách hiệu quả. Bởi theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng, trong khi đó số lượng thẻ phát hành lên đến 86 triệu thẻ, cao hơn gấp 4 lần.
Như vậy có nghĩa là số lượng thẻ thực sự hoạt động thấp hơn nhiều so với số thẻ đã phát hành. Và theo nguồn tin không chính thức, hiện có đến 50% số thẻ thanh toán đang lưu hành tại Việt Nam nhưng thực tế không hoạt động, không hề phát sinh bất cứ giao dịch nào. Đây là một sự lãng phí rất lớn, vì nếu chỉ tính trung bình chi phí phát hành một thẻ ở mức 3 - 5 USD (60.000 - 100.000 đồng/thẻ, tùy từng loại thẻ), thì với hàng chục triệu thẻ không được sử dụng đã lãng phí số tiền không nhỏ. Đó là chưa kể trên thực tế, phần lớn thẻ ngân hàng đang hoạt động cũng lại ít sử dụng những dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng mà chủ yếu để rút tiền mặt ở máy ATM. Thống kê từ các ngân hàng, 90% thẻ được dùng để rút tiền mặt, 10% còn lại là dùng để thanh toán qua máy POS.
Theo ông Lê Văn Tuyên, Trưởng phòng Phát triển thanh toán, Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do độ bao phủ dịch vụ ngân hàng chưa đồng đều; dịch vụ thẻ được thiết kế chưa phù hợp. Bên cạnh đó, việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế.