Tờ “Thời báo Tài chính” (Anh) mới đây đăng bài viết của ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2009 - 2013 và hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Nhóm châu Á, nhận định về sự gia tăng các hội đồng an ninh quốc gia tại châu Á. Dưới đây là nội dung bài viết:
Trung Quốc và Nhật Bản thời gian này không có mấy điểm chung. Tuy nhiên, có một tiến trình tương tự mà cả hai nước cùng đang theo đuổi, đó là việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) nhằm điều phối chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Tại sao lại như vậy?
Lữ đoàn dù số 1 của Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản tập trận tại tỉnh Chiba. |
Quyết định của Nhật Bản thành lập một NSC có chức năng nhiệm vụ rõ ràng và được ủng hộ về mặt pháp lý đang sắp trở thành hiện thực. Trong quá khứ, Nhật Bản từng nhiều lần có ý định thành lập một thực thể như vậy, nhưng nỗ lực lần này xem ra có trọng lượng hơn và mang tính chiến lược hơn. Còn tại Trung Quốc, trong nghị quyết bế mạc Hội nghị trung ương 3 gần đây, đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã phác thảo kế hoạch thành lập một thực thể dạng như NSC tại Ban Chấp hành Trung ương để giúp việc các nhóm chủ chốt và tăng trách nhiệm thường nhật của các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng.
Các quyết định tập trung hóa bộ phận ra quyết định về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng xung quanh Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc đang được củng cố bởi các yếu tố quốc gia và quốc tế. (Trong bình diện khu vực, Australia cũng đã tiến hành các bước nhằm thành lập một phiên bản nhỏ hơn của NSC trong Văn phòng Thủ tướng, cũng như Hàn Quốc có NSC trong Văn phòng Tổng thống, còn gọi là Nhà Xanh).
Rõ ràng là đang có xu thế ngày càng thịnh hành ở châu Á về việc lập ra các NSC để đối phó tốt hơn với môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng tại châu lục. NSC cho phép các nhà lãnh đạo hội ý kín với những trợ thủ gần gũi nhất về những quyết định có thể tạo ảnh hưởng của họ trên trường quốc tế.
Một lý do nữa cho xu hướng này chính là Mỹ. NSC của Mỹ được thành lập theo Đạo luật An ninh năm 1947, nhưng phải đến thời chính quyền của Tổng thống Kennedy thì cơ quan này mới có vai trò lớn hơn. Trong những năm gần đây, dưới thời các tổng thống của đảng Cộng hòa hay Dân chủ, Hội đồng An ninh Quốc gia đã thực hiện trách nhiệm lớn hơn, không chỉ đặt ra khuôn khổ lớn hơn cho chính sách đối ngoại mà còn cả trong việc thực hiện các chính sách này.
Vai trò của NSC của Mỹ được thể hiện đặc biệt rõ trong những năm gần đây trong việc quản lý các chiến dịch chống khủng bố hậu 11/9 và xử lý các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan. Chứng kiến quyền lực và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của NSC đối với chính quyền Mỹ, phản ứng logic là các chính phủ châu Á cũng muốn thành lập các cơ quan đồng cấp hiệu quả có thể liên lạc với Nhà Trắng trực tiếp và không phải thông qua cơ quan truyền thông bộ ngoại giao. Do đó, cả mô hình Mỹ và sự cần thiết trong vấn đề liên lạc và xử sự hiệu quả với NSC của Mỹ đã góp phần khiến xu hướng lập ra các NSC ở châu Á thịnh hành hơn.
Như đã nói, xu hướng này đang gia tăng rộng khắp khu vực châu Á và các nỗ lực tập trung hóa hơn nữa việc ra quyết định đối với các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia sẽ phổ biến tới mọi ngóc ngách ở châu lục này. Câu hỏi đặt ra là liệu các thực thể mới này có phải là khúc dạo đầu cho một châu Á bớt thanh bình hơn, hay một châu Á nơi mà các thách thức là không thể tránh khỏi đang được xử lý một cách êm thấm hơn và với ít nguy cơ hiểu lầm hơn? Hay căng thẳng đang gia tăng nhưng đã có những công cụ lớn hơn để xử trí chúng?
Đỗ Sinh