Cuộc sống của vợ chồng tôi có nhiều mâu thuẫn khó giải quyết. Tôi muốn ly hôn và làm lại giấy khai sinh cho con tôi theo họ của tôi thì phải làm gì?
Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Điều 56 của Luật này cũng quy định: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo các quy định nêu trên, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Về yêu cầu làm lại giấy khai sinh cho con, theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong các trường hợp sau đây:
-Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
-Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
-Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
-Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
-Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
-Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
-Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
-Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Con của bạn sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của hai người. Quan hệ cha đẻ - con đẻ giữa người chồng thứ nhất và con của bạn được pháp luật công nhận, bảo hộ. Do đó, ngay cả trong trường hợp bạn được tòa án xử cho ly hôn thì pháp luật cũng không tước quyền làm cha của người chồng cũ. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại.
Về thủ tục đăng ký lại giấy khai sinh, Điều 7 Nghị định 123/2015/Nđ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau đây: Tờ khai theo mẫu quy định; Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định nêu trên thì phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.
Ngoài các giấy tờ trên, trường hợp của bạn còn cần phải có văn bản thể hiện sự đồng ý của cả cha và mẹ về việc đổi họ cho con.
Việc thay đổi họ cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.