Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể thực hiện thành công hàng trăm ca vi phẫu phức tạp với tỉ lệ phục hồi trên 97%.
Tính đến nay, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện thành công hơn 40 ca ghép khó chuyển ngón chân thành ngón tay cái. |
Ngành Vi phẫu thuật của Việt Nam đã đóng góp và ghi danh vào nền y học văn minh của thế giới. Nhưng cao hơn cả thành tựu đó là những câu chuyện đầy nhân văn, khi sau mỗi ca phẫu thuật thành công là một cuộc đời được cứu sống, được thay đổi.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có đến 160.000 - 170.000 người bị tai nạn lao động (TNLĐ). Nhiều vụ làm chết người hoặc tổn thương bất kỳ bộ phận chức năng nào của cơ thể, do tác động đột ngột của các yếu tố bên ngoài dưới dạng cơ, lý, hóa và sinh học, xảy ra trong quá trình lao động.
Trong số, đó tỷ lệ người bị di chứng sau tai nạn (mất một phần bộ phận cơ thể) bị ảnh hưởng trong cuộc sống, sinh hoạt và tâm lý chiếm một tỷ lệ khá cao.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, xu hướng phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khiến TNLĐ ngày càng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt khi ý thức bảo hộ lao động của người dân còn chưa cao.
Trong những tai nạn đó thì tổn thương bàn tay chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó có vết thương đứt rời ngón tay đã khiến nhiều người trở thành tàn phế, mất đi cuộc sống. Bởi bàn tay có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt, lao động của mỗi người.
Theo PGS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện TƯQĐ 108, ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, khi ở tư thế đối chiếu nó kết hợp với 4 ngón tay dài tạo thành gọng kìm để cầm nắm ngón nhặt đồ vật. Chính vì vậy, các tổn thương gây mất ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái làm giảm tương đối nhiều chức năng bàn tay, ảnh hưởng trầm trọng đến lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Câu chuyện về cô thiếu nữ P.T.Hoa (25 tuổi) đang ở tuổi xuân sắc nhất của đời người đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng bị mất 3 ngón tay ở cả hai bàn tay, khiến tôi không thể quên đến tận hôm nay. Trong khi làm việc ở một xưởng cơ khí tại quê nhà (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), do sơ ý, Hoa đã bị chiếc máy dập nghiền nát 3 ngón tay ở cả hai bàn tay.
Hoa được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Khi tỉnh dậy, biết mình đã bị mất gần như toàn bộ chức năng của hai bàn tay, Hoa đã vô cùng tuyệt vọng, đau đớn. Hoa đã dường như mường tựa ra cánh cửa cuộc đời đã khép trước mặt mình với bao ước mơ, hoài bão của một cô gái trẻ chưa được thực hiện.
Lúc này, Hoa cũng chưa có gia đình. Và cô cũng gần như không dám nghĩ đến việc xây dựng một hạnh phúc của riêng mình. Bởi sau tại nạn, Hoa đã không thể làm được việc gì, kể cả việc tự chăm sóc những sinh hoạt hàng ngày của bản thân.
Sau hơn nửa năm bị tai nạn, vào khoảng tháng 8/2013, khi biết đến kỹ thuật vi phẫu đang được thực hiện ở Bệnh viện TƯQĐ108, Hoa đã đến bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật theo tư vấn của các y bác sỹ. Tuy vậy, Hoa cũng không có quá nhiều hy vọng bởi vết thương tâm lý quá lớn sau tai nạn khiến Hoa không còn niềm tin vào cuộc sống.
Cuộc phẫu thuật của Hoa được thực hiện từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều cùng ngày, do GS Nguyễn Viết Tiến (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật Vi phẫu) và các bác sỹ Khoa Vi phẫu thuật chấn thương chi trên (B1 – B) tiến hành. Các bác sỹ đã phẫu thuật chuyển ngón chân cái đã thu nhỏ để phục hồi ngón cái bên tay phải của Hoa.
Sau phẫu thuật, Hoa đã có một ngón cái bên phải mới. Nhưng điều quan trọng là Hoa đã có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày và làm các công việc lao động gần như bình thường.
Sau hơn nửa năm phục hồi chức năng theo chỉ dẫn của các bác sỹ Bệnh viện TƯQĐ 108, Hoa cho biết: “Em đã có thể khâu vá, giặt quần áo và làm một số công việc nhà khác. Thực sự đây là điều mà sau khi gặp tai nạn em không dám mơ ước đến”.
Một thời gian không lâu sau đó, Hoa đã quay trở lại tham gia vào lao động sản xuất bình thường như trước kia. Niềm vui nhân lên, khi cuối năm 2014, Hoa đã lập gia đình và hiện đang có một bé gái kháu khỉnh 21 tháng tuổi. Hiện nay, chức năng tay của Hoa đã phục hồi được trên 95%.
Nhắc lại về lịch sử Ngành Vi phẫu Việt Nam. Năm 1981, cố GS Nguyễn Huy Phan (Bệnh viện TƯQĐ 108) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nối ngón tay bị đứt lìa khỏi bàn tay đầu tiên đánh dấu sự ra đời Ngành Vi phẫu thuật ở Việt Nam.
Đến nay sau hơn 3 thập kỷ, “cái nôi” của ngành vi phẫu - Bệnh viện TƯQĐ 108 đã thực hiện thành công hơn 40 ca ghép khó chuyển ngón chân thành ngón tay cái cùng hàng nghìn ca ghép vi phẫu khác, cứu sống cuộc đời những người bệnh và giúp họ trở về hoà nhập với cuộc sống.
Kỹ thuật tạo hình phục hồi ngón tay cái là một trong những kỹ thuật khó, là một thách thức lớn cho các nhà phẫu thuật viên. Trên thế giới, tỷ lệ thành công cũng chỉ được đánh giá trong khoảng 60 – 90%. Hiện nay, từ việc kế thừa những kỹ thuật của GS Nguyễn Huy Phan, đã có nhiều phương pháp mới để tái tạo ngón tay cái.
Trong đó, việc phẫu thuật chuyển ngón chân tái tạo thành ngón tay cái là kĩ thuật hiện đại, tiên tiến và được nhiều phẫu thuật viên trên thế giới ứng dụng. Phương pháp này có nhiều ưu điểm: ngón được phục hồi đáp ứng cả về chức năng vận động, cảm giác và tính thẩm mỹ cao, di chứng ảnh hưởng đến chức năng của bàn chân gần như không đáng kể.
Hiện nay Bệnh viện TƯQĐ 108 có 2 đơn vị thực hiện kỹ thuật vi phẫu: Khoa phẫu thuật Hàm mặt & Tạo hình, chuyên làm các tạo hình vùng đầu, mặt, cổ,… và các cơ quan khác như dương vật, phần ngực,…; Khoa Chấn thương chỉnh hình, làm vi phẫu tại các phần trên cơ thể.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ nghiên cứu ghép tử cung cho các bệnh nhân nữ không có tử cung, nhằm giúp phụ nữ vô sinh hiếm muộn có thể có con như bình thường. Ngoài ra, kỹ thuật vi phẫu hiện nay cũng đang được thực hiện ở một số bệnh viện, trung tâm y tế lớn trên cả nước, trả lại cuộc sống cho hàng nghìn bệnh nhân với những tổn thương tưởng chừng như không thể chữa lành được.
Trên thế giới, tỷ lệ thành công của vi phẫu tạo hình phục hồi ngón tay cái cũng chỉ được đánh giá trong khoảng 60 – 90%. |
Gần đây, trong một Hội thảo quốc tế về Vi phẫu thuật được thực hiện tại bệnh viện TƯQĐ 108, GS Sheng Feng Jeng một người nổi tiếng thế giới trong ngành vi phẫu đến từ Đài Loan cũng đã chia sẻ tại hội thảo quan điểm của ông về thành tựu ngành vi phẫu Việt Nam: “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, phối hợp với tổ chức Operation Smile chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cho các quốc gia khác nhau trên thế giới trong kỹ thuật vi phẫu, nhưng Việt Nam là nơi học hỏi và phát triển kỹ thuật này nhanh và hiệu quả nhất. Các bạn đã làm được những điều kỳ diệu. Kỹ thuật của các bạn có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển hiện nay”.
Câu chuyện của cô gái P.T.Hoa lấy lại được cuộc sống sau thành công của ca phẫu thuật vi phẫu được thực hiện bởi các bác sỹ của Bệnh viện TƯQĐ 108 chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp TNLĐ vẫn đang xảy ra hàng ngày và hàng nghìn trường hợp TNLĐ vẫn đang xảy ra hàng năm ở Việt Nam.
Bởi vậy, việc phát triển kỹ thuật vi phẫu như nối các bộ phận cơ thể bị đứt lìa, đặc biệt là chuyển ngón chân lên thay thế ngón tay bị mất với tỷ lệ thành công cao như ở Bệnh viện TƯQĐ 108 và một số bệnh viện tuyến trung ương khác là một thành tựu y học không chỉ khẳng định tài năng, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam, góp phần vào thành tựu y học thế giới mà nhân văn hơn đó là những câu chuyện thay đổi, cứu sống cuộc đời của mỗi bệnh nhân sau mỗi ca phẫu thuật thành công.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng trưởng nóng, những vấn đề bất cập trong xã hội như TNLĐ đã để lại không ít hệ luỵ cho xã hội, thì sự phát triển và lớn mạnh của của ngành Vi phẫu Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện xã hội, trả lại cuộc đời và hạnh phúc cho những người kém may mắn khi gặp phải TNLĐ trong sản xuất.