Thầm lặng gắn bó với bệnh nhân phong

Ít có bác sỹ nào chịu về làm việc tại Trại phong Bến Sắn (Bình Dương) bởi nơi đây vừa xa thành phố vừa phải tiếp xúc với căn bệnh mà hầu như cả xã hội đang có cái nhìn thiếu thiện cảm. Thế nhưng, bác sỹ trẻ Vũ Minh Duy lại nguyện gắn bó cả cuộc đời mình với những bệnh nhân phong không may mắn ấy.


Từ chối nhiều cơ hội


Trại phong Bến Sắn nằm cách TP Hồ Chí Minh gần 100 km, là nơi điều trị cho những người mắc bệnh phong, căn bệnh mà xã hội thường xa lánh, thậm chí thân nhân người bệnh cũng xấu hổ khi trong nhà có người mắc căn bệnh này. Ấy thế nhưng, ngay từ khi mới ra trường, chàng y sỹ trẻ Vũ Minh Duy lại quyết định bỏ sự nhộn nhịp của phố phường Sài Gòn, quyết tâm về Trại phong Bến Sắn để phục vụ, chăm sóc những bệnh nhân phong. Đến nay, khi đã trở thành bác sỹ (BS), anh vẫn luôn tận tâm với nghề và thường có mặt mỗi khi bệnh nhân và đồng nghiệp cần sự giúp đỡ. Bởi vậy, suốt gần 17 năm công tác tại Trại phong Bến Sắn, vị BS trẻ này luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu quý và xem như người thân trong gia đình.

 

Đối với bác sỹ Duy, những người sống ở Trại phong Bến Sắn chính là người thân của mình.

 

BS Vũ Minh Duy nhớ lại: “Ngày tôi mới về công tác tại Trại phong Bến Sắn, giao thông đi lại còn khó khăn lắm, nơi đây gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Thu nhập thì rất thấp, cuộc sống thiếu thốn hơn ở thành phố rất nhiều. Lúc đầu mới làm việc tôi cũng có sự băn khoăn và hơi sợ sệt, thế nhưng sau một vài tháng tiếp xúc với bệnh nhân, mọi sự lo lắng và băn khoăn của tôi đều tan biến. Cũng chẳng biết từ khi nào, tôi đã quyết định ở lại, gắn bó với những bệnh nhân phong”.


Sau khi đã học và lấy được bằng bác sỹ, anh nhận được rất nhiều lời đề nghị về làm tại các phòng mạch và các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh. Không những thế, nhiều lần vợ BS Minh cũng khuyên anh nên về thành phố làm việc để vợ chồng được ở gần nhau, kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn hơn.


“Sau khi nghe tôi kể công việc tại trại phong, về những hoàn cảnh éo le của những người bệnh kém may mắn, vợ tôi đã hiểu và thông cảm với tôi hơn. Thậm chí, giờ đây, cô ấy còn bị tôi kéo về trại phong này làm việc", BS Duy cười chia sẻ.


Không bao giờ bỏ bệnh nhân


Nhắc đến BS Duy ở Khoa ngoại, hầu như tất cả bệnh nhân nào sống trong Trại phong Bến Sắn cũng biết và dành cho anh rất nhiều tình cảm. Cô Sẻn từng bị bệnh phong hoành hành nay đã điều trị khỏi, thế nhưng mỗi khi trái gió trở trời vẫn bị đau nhức, sốt. “Hơn chục năm nay, từng chăm sóc cho rất nhiều bệnh nhân phong nhưng chẳng khi nào BS Duy tỏ ra cáu kỉnh, xa lánh hoặc mắng mỏ bệnh nhân; lúc nào BS cũng từ tốn, tận tình điều trị và hướng dẫn bệnh nhân cách phòng bệnh”, cô Sẻn cho biết.


Sơ Lan, Điều dưỡng trưởng Trại phong Bến Sắn, người cùng làm việc với BS Vũ Minh Duy bao năm nay, chia sẻ: “Hơn 15 năm làm việc tại trại phong, BS Duy luôn hòa đồng với đồng nghiệp, với bệnh nhân, anh luôn yêu thương và chia sẻ. Đặc biệt, BS rất khiêm tốn, ít khi nào nói về thành tích cá nhân cho dù công việc gặp rất nhiều khó khăn”.


Khi được hỏi vì sao lại chọn làm việc và gắn bó suốt đời với bệnh nhân phong, BS Duy tâm sự: "Di chứng của bệnh phong là sự tàn phế và làm cho người bị phong mất cảm giác đau. Bởi vậy, nhiều lúc bệnh nhân đau mà họ cũng không biết, chỉ khi nào vết thương ăn sâu vào gây viêm xương, chảy máu thì họ mới cảm nhận được. Hiểu rõ bệnh tình, từng hoàn cảnh đáng thương của bệnh nhân nên tôi thấy mình cần phải cố gắng để chăm sóc cho họ. Tôi sẽ không bao giờ bỏ những bệnh nhân phong để chọn một công việc khác có thu nhập cao hơn, bởi họ chính là gia đình của tôi".


Theo BS Duy, tuy sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh phong không còn nặng nề như trước; nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân phong vẫn chưa vượt qua được sự kỳ thị của xã hội và họ vẫn khó hòa nhập công đồng. Ngay cả khi đưa bệnh nhân từ trại phong về các bệnh viện trên thành phố điều trị, nhiều BS vẫn tỏ vẻ e dè trong quá trình tiếp nhận và điều trị. Vậy nên điều mà BS Duy mong muốn đó là cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bệnh phong, để những bệnh nhân không may mắn ấy bớt mặc cảm và tự tin hòa nhập cuộc sống hơn.


“Tôi làm ở trại phong bởi nghĩ mình là một thành viên của đại gia đình và đó cũng là trách nhiệm của một người BS.Tôi nghĩ mình cũng chưa làm được gì nhiều, những hộ lý và điều dưỡng ở đây mới là người đáng được tuyên dương và khen thưởng vì công việc của họ vất vả hơn bác sỹ nhiều”, BS Vũ Minh Duy chỉ chia sẻ như vậy khi chúng tôi hỏi về những thành tích mà anh đạt được trong suốt 17 năm tận tình chăm sóc cho những bệnh nhân phong.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN