Thái Lan đối phó với biểu tình kép

Chính phủ Thái Lan ngày 17/2 vừa phải đối phó với phe đối lập đang tăng cường bao vây các tòa nhà chính phủ, vừa phải chịu sức ép từ cuộc biểu tình của giới nông dân đòi trả lại tiền gạo.

Nông dân Thái phá hàng rào thép gai ngày 17/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Khoảng 10.000 người biểu tình đã tuần hành gần tòa nhà chính phủ, đổ xi măng lên các bức tường dựng lên bằng bao cát chắn ngang trước cổng vào tòa nhà, đồng thời dựng các rào chắn bằng lốp xe gần đó. Phát biểu trước đám đông biểu tình, thủ lĩnh Suthep Thaugsuban tuyên bố: “Bà Yingluck sẽ không bao giờ có cơ hội làm việc tại tòa nhà chính phủ nữa”.


Người đứng đầu Cơ quan an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr đã chỉ đạo lực lượng an ninh đóng bên trong Tòa nhà Chính phủ tránh những hành động đối đầu với người biểu tình. Mặc dù cảnh sát đã được triển khai để giành lại 5 địa điểm bị người biểu tình chiếm giữ ở thủ đô Bangkok, trong đó có một khu vực gần Tòa nhà Chính phủ, song họ được khuyến cáo chỉ sử dụng súng để tự vệ trong trường hợp vấp phải sự kháng cự của người biểu tình có vũ trang.


Tuy nhiên, trước sức ép của lực lượng biểu tình, quyền Bộ trưởng Lao động kiêm Giám đốc Trung tâm duy trì hòa bình và trật tự Thái Lan (CMPO), ông Chalerm Yoobamrung cảnh báo các đám đông biểu tình có thể bị giải tán nếu đi theo nhóm nhỏ. Theo ông Chalerm, có khả năng chính quyền sẽ có hành động trấn áp do thủ lĩnh Suthep đã không tuân thủ cam kết chỉ biểu tình tại một số địa điểm cố định. Ông khẳng định bà Yingluck có thể trở lại làm việc tại Tòa nhà Chính phủ trước ngày 19/2.


Trước đó, cảnh sát đã ập qua các rào chắn quanh tòa nhà chính phủ mà không gặp sự phản kháng nào đáng kể từ người biểu tình. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, người biểu tình đã quay trở lại và tiếp tục dựng rào chắn. Một nhóm biểu tình tràn vào khuôn viên của Bộ Giáo dục, buộc các nhân viên ở đây phải ngừng làm việc và ra về. Hoạt động biểu tình quấy phá khiến Thủ tướng Yingluck suốt hai tháng qua không thể sử dụng trụ sở của chính phủ ở Bangkok mà phải làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau.


Trong khi đó, chính phủ Thái Lan hiện còn phải chịu thêm một sức ép nữa từ các cuộc biểu tình của nông dân trồng lúa - những người chưa được trả tiền khi tham gia chương trình trợ giá gạo. Từ sáng sớm ngày 17/2, hàng trăm nông dân đã tụ tập đòi xông vào khuôn viên trụ sở Văn phòng Thư ký Thường trực Quốc phòng, nơi bà Yingluck đang làm việc tạm thời, để đòi gặp bà trực tiếp. Đến trưa, họ phá hàng rào dây thép gai, đẩy lùi một dãy cảnh sát chống bạo động, nhưng không ập vào bên trong tòa nhà. Cảnh sát cho biết họ chấp nhận nhường bước do không muốn đối đầu.


Trước đó, chính phủ Thái Lan đã cam kết trả tiền thu mua gạo cho nông dân theo chương trình trợ giá. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, khoảng 1 triệu nông dân vẫn bị nợ tiền và chính phủ có thể cần tới 3,6 tỷ USD để thanh toán.


Ngày 17/2, Ủy ban phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan dự báo nền kinh tế này sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 3 - 4% năm nay, giảm so với dự báo 4 - 5% được công bố trước đó. Trong quý 4/2013, GDP của Thái Lan chỉ tăng 0,6%, giảm so với mức 2,7% của quý 3. Nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 4 tháng qua khiến đầu tư nước ngoài và khách du lịch vào Thái Lan giảm sút nghiêm trọng.


Thùy Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN