Thái Lan ban bố lệnh giới nghiêm sau đảo chính

Theo tin mới nhất, quân đội Thái Lan đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 22 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Binh sĩ Thái Lan được triển khai tại Bangkok 22/5. Ảnh: AFP-TTXVN


Lệnh giới nghiêm được phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan Winthai Suvaree thông báo trên truyền hình chỉ vài giờ sau khi Tư lệnh lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố đảo chính. Quân đội Thái Lan cũng yêu cầu tất cả các đài truyền hình và phát thanh ngừng phát sóng các chương trình hàng ngày và chỉ phát những tin do quân đội đưa ra.

Nhận định về tình hình Thái Lan sau khi xảy ra đảo chính quân sự, phóng viên TTXVN tại Bangkok cho rằng hiện còn quá sớm để có thể dự báo cuộc đảo chính sẽ tác động như thế nào tới chính trường Thái Lan trong thời gian tới. Năm 2006, quân đội Thái Lan cũng đã tiến hành đảo chính lật đổ Thủ tướng khi đó là Thaksin Shinawatra.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính này đã không giải quyết được mâu thuẫn giữa các bên và bằng chứng là vào năm 2010, quân đội lại phải tham gia một cuộc trấn áp đẫm máu lực lượng "Áo Đỏ" chống chính phủ. Việc quân đội Thái Lan lựa chọn xóa bỏ Hiến pháp năm 2007 để soạn thảo lại từ đầu cũng có thể đưa các phe phái ở Thái Lan tới những thỏa hiệp mới trong tương lai. Mặc dù vậy, cuộc đảo chính cũng có thể khơi mào cho những cuộc nổi dậy mới vì lực lượng "áo đỏ" tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ cuộc đảo chính hay hình thức phi dân chủ nào.

Trước đó, trong thông báo trên truyền hình vào khoảng 16h30 ngày 22/5, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết lực lượng quân đội và cảnh sát đã thành lập Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia nhằm nắm quyền điều hành đất nước. Theo ông Prayuth, việc giành quyền lực này là cần thiết nhằm ổn định tình hình Thái Lan trong hoàn cảnh hiện nay.

Tướng Prayuth Chan-ocha (giữa), tuyên bố lực lượng vũ trang nắm quyền điều hành đất nước.


Tuyên bố đảo chính của Tướng Prayuth được đưa ra sau khi các phe phái đối lập ở Thái Lan tham gia hai cuộc đàm phán trong hai ngày 21 và 22/5 mà không đạt được thỏa thuận nào. Theo ông Prayuth, quân đội Thái Lan đã buộc phải hành động như vậy vì không có sự lựa chọn nào khác trong thời điểm hiện nay.

Trước khi tiến hành đảo chính, Tướng Prayuth Chan-ocha đã ban bố tình trạng thiết quân luật nhằm đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán để tìm biện pháp chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài hơn 6 tháng qua. Tại cuộc gặp, các bên đã tập trung thảo luận những vấn đề được coi là nguyên nhân gây ra tình trạng bế tắc chính trị, bao gồm việc có nên tổ chức bầu cử trước hay tiến hành cải cách trước bầu cử, có bổ nhiệm một thủ tướng mới trong hoàn cảnh hiện nay hay Thượng viện có thể tham gia giải quyết xung đột chính trị hay không. Tuy nhiên, tất cả các vấn đề này đều không được các bên nhất trí.

Quân đội tuyên bố tạm thời đình chỉ hiến pháp

Người phát ngôn quân đội Thái Lan tuyên bố tạm thời đình chỉ hiến pháp, đồng thời ra lệnh cho người biểu tình của cả hai phía ủng hộ và chống chính phủ giải tán và trở về nhà sau khi quân đội nắm giữ chính quyền trong một cuộc đảo chính.

Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn này cho biết: "Để duy trì hòa bình và trật tự, toàn bộ những người biểu tình thuộc các phe phái phải rời về nhà ngay lập tức", đồng thời khẳng định các xe buýt đã được sắp xếp đưa họ đi.


Đồng thời, phát biểu trên truyền hình, Phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan Winthai Suvaree khẳng định Tư lệnh Lục quân Chan-ocha sẽ lãnh đạo chính quyền quân sự phụ trách điều hành quốc gia Đông Nam Á này. Ông Winthai khẳng định hiến pháp hiện đã bị đình chỉ, song thượng viện và toàn bộ các tòa án sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.

Cùng ngày, quân đội Thái Lan đã yêu cầu quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan cùng các bộ trưởng nội các nước này tới trình diện tại một doanh trại quân đội ở phía Bắc thủ đô Bangkok.

Trong khi đó, Ủy ban gìn giữ hòa bình quốc gia đã yêu cầu các bộ trưởng trong nội các mới bị phế truất phải trình diện trước ủy ban này. Ngoài ra, quân đội cũng kêu gọi những người biểu tình ủng hộ và chống đối chính phủ phải lập tức trở về nhà để lập lại hòa bình và trật tự.

Tuyên bố của quân đội Thái Lan nêu rõ theo điều 8 và 11 của thiết quân luật, người dân bị cấm tụ tập trên 5 người tại cùng một thời điểm vì "mục đích chính trị". Bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt tù một năm hoặc nộp phạt 10.000 baht, hoặc cả hai hình thức trên.


TTXVN/Tin tức
Quân đội Thái Lan đảo chính
Quân đội Thái Lan đảo chính

Phát biểu trước toàn dân trên truyền hình vào chiều nay, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố: Lực lượng vũ trang đã lên nắm quyền sau nhiều tháng nước này chìm trong khủng hoảng chính trị đẫm máu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN