Dinh dưỡng hợp lýCác món ăn ngày Tết vốn phong phú về chủng loại và cách thức chế biến. Trong những ngày Tết do được nghỉ ngơi, không cần phải lao động và làm việc nhiều nên nhu cầu về năng lượng cơ thể ít hơn so với ngày thường. Nhưng vào những ngày này việc cung cấp năng lượng lại tăng lên rất nhiều lần so với ngày thường do chúng ta sử dụng các loại thực phẩm đặc trưng trong dịp Tết. Ăn uống trong dịp Tết thường không điều độ, đúng bữa, số bữa ăn cũng nhiều hơn. Mâm cơm thường có xu hướng nhiều thịt cá, ít rau... điều này gây mất cân bằng so với bữa ăn hàng ngày, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng cân và có thể gây ra một số hệ quả nguy hại đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh gút...
Lựa chọn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng sẽ giúp cho cả gia đình có một cái Tết vui và nhiều sức khỏe. |
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Điệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các món ăn ngày Tết của chúng ta vốn phong phú về chủng loại và cách chế biến. Đây là một nét văn hóa trong truyền thống ẩm thực của dân tộc. Tuy nhiên nhiều món ăn ngày Tết của chúng ta có năng lượng khá cao như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, lạp xưởng, xúc xích... Một số món có nhiều muối như thịt ngâm nước mắm, các loại thực phẩm làm khô như cá khô, tôm khô, dưa muối các loại, giò chả... một số món ăn có nhiều đường như bánh kẹo, mứt, si rô, nước ngọt... Một số món có nhiều chất béo như thịt quay, giò chả có da, tai heo... Để có thể thưởng thức Tết vui vẻ mà vẫn giữ được sức khỏe, chúng ta cần chú ý ăn vừa đủ các món ăn ngày Tết và ăn đúng giờ.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Điệp khuyến cáo: "Những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì cần hạn chế các món ăn có nhiều chất béo, đường, có năng lượng cao. Nên tăng cường thêm rau xanh, trái cây trong các bữa ăn để cân bằng các chất dinh dưỡng, hạn chế tăng nhanh đường huyết sau ăn và tích lũy mỡ trong cơ thể. Trẻ em thì không nên cho uống nước ngọt, ăn mứt, kẹo “thả ga” trong ngày Tết để tránh làm các cháu bỏ bữa ăn chính gây ảnh hưởng đến tình trạng tăng trưởng dinh dưỡng của các cháu sau Tết".
Bệnh tiểu đường thường liên quan nhiều đến chế độ ăn uống. Vào dịp Tết, người bệnh tiểu đường thường sử dụng các thức ăn, nước uống có hàm lượng đường cao dễ làm tăng lượng đường trong máu, có thể dẫn đến tình trạng bệnh tiểu đường nặng hơn như hôn mê do tăng đường huyết. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Phó trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng cho khuyến cáo, đối với bệnh nhân tiểu đường phải chú ý thật kỹ thức ăn, nước uống trước khi sử dụng (xem thức ăn, nước uống có quá ngọt không). Nếu phải dùng thì nên dùng lượng thức ăn, nước uống rất ít để tránh làm tăng đường huyết. Bên cạnh đó, phải kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên như kiểm tra đường trong máu, uống thuốc đều đặn, bởi vào dịp Tết người mắc bệnh thường bỏ quên việc kiểm soát bệnh. Nếu người bệnh tiểu đường thấy có những triệu chứng bất thường như rơi vào trạng thái lơ mơ hoặc hôn mê thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở gần nhất để kiểm tra và xử lý kịp thời.
Trong những ngày Tết, các loại thực phẩm muối như hành, kiệu dưa... có rất nhiều muối, lượng muối trong 100g các thực phẩm này gấp 2 lần lượng muối do Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị. Nếu tính lượng muối trong các món ăn chúng ta ăn trong ngày nữa thì tổng lượng muối tiêu thụ sẽ rất nhiều. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn nhiều muối lâu dài sẽ gây tăng huyết áp, loãng xương, suy giảm chức năng thận, là nguy cơ của một số bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Những người đang bị tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý tim mạch khác, suy thận, loãng xương, đái tháo đường nên hạn chế ăn các loại thực phẩm muối trên.
Bác sĩ Điệp cũng cho biết, muối còn có rất nhiều trong các loại thực phẩm khô, giò chả, xúc xích, các món kho... Để ăn Tết vui và duy trì được sức khỏe tốt nên chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh. Chế biến các món ăn vừa đủ lượng dùng trong gia đình. Khi ăn các món giàu năng lượng và chất bột, đường như bánh chưng, bánh tét, các loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm như thịt kho hột vịt, chả giò nên ăn kèm rau xanh, dưa giá. Các món ăn chơi nhiều đường như mứt kẹo, bánh... nên ăn sau bữa chính.
Song song với các loại thực phẩm thì rượu bia cũng là món không thể thiếu trong ngày Tết, nếu uống quá nhiều không những mất an toàn khi tham gia giao thông mà còn có nguy cơ cao đối với các bệnh tim mạch, gút, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Chọn thực phẩm sạch và bảo quản đúng Một trong những mối bận tâm của người tiêu dùng là hiện nay có rất nhiều sản phẩm "bẩn" được bán trên thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao nhất là trong những ngày Tết. Để chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Khi mua sản phẩm cần chọn những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ được sản xuất ở những cơ sở có thương hiệu lâu năm. Các sản phẩm được bày bán ở những nơi có đủ điều kiện như siêu thị, các cửa hàng tiện ích... Cần quan sát và chọn các sản phẩm có màu sắc tự nhiên.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Điệp cũng chia sẻ thêm, để chọn được thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn chúng ta nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nơi bán phải có điều kiện bảo quản mát hoặc bảo quản lạnh. Các loại thực phẩm phải tránh xa các nguồn gây ô nhiễm từ môi trường như bụi bẩn, gần cống rãnh nước thải, bãi rác... Khi mua hàng cũng cần quan sát các chi tiết như màu sắc, mùi, độ chắc của thực phẩm... Chọn thịt heo, bò có màu hồng hoặc đỏ tự nhiên, không có mùi lạ, sờ tay không thấy nhớt, ấn nhẹ thấy thịt có tính đàn hồi vừa phải (mặt miếng thịt lõm xuống sau đó trở lại như cũ nhanh trong vòng 3 - 5 giây). Chọn cá có mắt trong, vẩy dính chắc vào da, ấn vào có tính đàn hồi nhẹ, mang cá hồng, không có mùi lạ. Chọn rau củ tươi, không úa, không to bất thường, khoai không nẩy mầm.
Trong những ngày Tết lượng thực phẩm được bảo quản tại nhà tăng cao, để thực phẩm an toàn và đảm bảo dinh dưỡng thì người dân phải tuân thủ các điều kiện bảo quản của sản phẩm và lưu ý hạn sử dụng. Theo các bác sĩ, hiện nay các siêu thị, chợ bán lẻ đều đã mở của phục vụ người dân rất sớm vì vậy chúng ta chỉ cần mua đủ thực phẩm dùng trong khoảng 3 ngày khi siêu thị đóng cửa, không cần thiết phải mua quá nhiều thực phẩm.
Bác sĩ Điệp hướng dẫn, để dự trữ thực phẩm an toàn và giữ được giá trị dinh dưỡng chúng ta cần bảo quản trong tủ lạnh theo những nguyên tắc sau: Thực phẩm sống sau khi sơ chế, làm sạch, nên chia thành từng phần đủ dùng trong các lần ăn để vào các hộp, bao bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn lạnh tủ lạnh; Rau củ sau khi làm sạch phần lá già úa, bao kín trong bao nylon dành bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn mát tủ lạnh. Thực phẩm chế biến sẵn bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong trường hợp không có tủ lạnh, thực phẩm sau khi nấu chín, ăn không hết phải đun nấu lại. Trước khi ăn cần phải đun kỹ lại nếu để trên 5 giờ ở nhiệt độ phòng. Các loại thực phẩm không cần bảo quản lạnh cũng phải tránh để gần bếp lửa, gần cửa sổ, nơi ánh nắng chiếu vào vì sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin.
Vào những ngày Tết, do việc bảo quản thức ăn không đúng và thường ăn uống ở ngoài không đảm bảo an toàn vệ sinh nên dễ gây rối loạn tiêu hóa, với các biểu hiện như nôn ói, tiêu chảy... các bác sĩ khuyến cáo: “Để hạn chế các bệnh này thì mọi người cần phải ăn chín uống sôi tại gia đình. Nếu sử dụng thức ăn bên ngoài, nên tìm chỗ sạch sẽ, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi mắc bệnh tiêu chảy, nôn ói nên cho bệnh nhân uống nhiều nước như Oresol, nước khoáng để bù lượng nước mất. Nếu bệnh nhân không giảm ói, tiêu chảy, hoặc có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao, vã mồ hôi, mệt, tay chân lạnh... đó là những dấu hiệu của ngộ độc thức ăn nặng, mất nước, nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm.