Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của đồng bào Lô Lô ở Cao Bằng mộc mạc, nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống.
Đồng bào Lô Lô quan niệm, khi bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngũ cốc, mà phải có nhiều củi và nước - biểu hiện một năm làm ăn sung túc. Ngoài yếu tố về mặt tâm linh, thì việc tích trữ đó còn là một nguyên tắc sống được truyền từ đời này qua đời khác, để giúp đồng bào Lô Lô tồn tại được ở mảnh đất đầy khắc nghiệt này.
Cách Tết khoảng 3 - 4 ngày, mọi người quét dọn nhà cửa sạch sẽ chuẩn bị đón tài lộc năm mới. Chiều 30 Tết, theo phong tục, đồng bào Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Trong gia đình cử người đi gánh nước lúc giao thừa, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả bản làng.
Đối với đồng bào Lô Lô dù khá giả hay nghèo, Tết đều phải có thịt lợn đen treo trên gác bếp. Cỗ Tết được coi là to và sang thì ngoài món thịt lợn đen hay món gà trống thiến, phải có nhiều món khác như món cá lam thơm ngon nổi tiếng.
Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, già trẻ gái trai đều thức. Các cụ bà cùng các cháu nhỏ quần tụ bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu với đồ nhắm. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi.
Bữa cơm sum họp gia đình ngày 30 Tết. |
Quét dọn nhà cửa, bàn thờ để đón Tết. |
Cành cây Mà Chi Phè không thể thiếu trong những ngày Tết của đồng bào Lô Lô. Cành cây này được cắm từ cổng đến cầu thang, cửa nhà vào đến bàn thờ tổ tiên để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cháu thảo hiền... |
Mổ lợn, gà cúng tổ tiên và chuẩn bị thức ăn cho những ngày Tết. |
Bánh Chò Mìa Chá được buộc ở các cột nhà, nông cụ... để cầu may mắn, mùa màng bội thu... Bánh được treo đến hết ngày 15 Tết mới được dỡ xuống. |
Phụ nữ Lô Lô hát mừng xuân (đồng bào Lô Lô không hát trong nhà vào những ngày xuân). |
Mời khách đến xông nhà vào cùng vui xuân với gia đình. |
Trọng Thủy