Tây Nguyên vững bước đi lên

Năm 2013, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới lại gặp nhiều thiên tai bất lợi nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng cao, an ninh quốc phòng được giữ vững.

 

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 10 năm trở lại đây, với sự đầu tư của Chính phủ và sự nỗ lực của các địa phương, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, nổi bật là xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông. Từ chỗ chưa có gì sau năm 1975, đến nay, Tây Nguyên đã có trên 1.560 công trình thủy lợi, với hàng chục ngàn km kênh mương dẫn nước đáp ứng gần 70% nhu cầu tưới cho các loại cây trồng.

 

Thành phố Buôn Ma Thuột, đô thị trung tâm của Tây Nguyên.


Hệ thống giao thông hình thành rộng khắp, đã nâng cấp 3 sân bay, 10 tuyến quốc lộ, 59 tuyến tỉnh lộ, với tổng chiều dài trên 4.000 km, nhiều tuyến đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa, cứng hóa. Trên 91% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được trong cả hai mùa mưa, nắng, 98% số thôn, buôn, bon, làng có điện lưới quốc gia, 100% số xã có trường tiểu học, trường mẫu giáo, trạm xá, phủ sóng phát thanh truyền hình và nối mạng thông tin viễn thông.


Kinh tế Tây Nguyên phát triển với tốc độ khá cao, tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2001 trở lại đây luôn duy trì ở mức trung bình 11,9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển biến vượt bậc, tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, trình độ canh tác có sự phát triển khá, chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện. Các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa với quy mô lớn tạo ra khối lượng hàng hóa xuất khẩu, với giá trị gia tăng ngày càng nhiều.


Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao như cà phê, cao su, tiêu... từng bước được chuyển dịch theo hướng tăng quy mô, chất lượng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Năm 2013, tổng sản lượng của một số cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên như cà phê nhân đạt gần 1 triệu tấn (tăng 10%), cao su mủ khô đạt 367.000 tấn (tăng 41,2%), tiêu gần 59,5 ngàn tấn (tăng 42,2%), sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2,34 triệu tấn, tăng 17,2% so với năm 2008...


Các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung phát triển một số vật nuôi chủ lực như bò, trâu, lợn..., đồng thời, định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại để tạo ra hàng hóa. Đến nay, tổng đàn trâu có trên 92,5 ngàn con, tăng 4,44%, đàn bò gần 660,5 ngàn con, đàn lợn gần 1,8 triệu con, tăng 18,33%, đàn gia cầm 15,37 triệu con, tăng 39,86% so với năm 2008. Ngành nuôi trồng thủy sản được chú trọng đầu tư, khuyến khích, từng bước phát triển nên diện tích nuôi trồng và giá trị sản xuất ngày càng tăng mạnh.


Ngành lâm nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua đã phát triển theo hướng giảm khai thác rừng tự nhiên, tăng cường quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh để nâng cao chất lượng rừng. Công tác trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng có nhiều chuyển biến tích cực, khả năng thu hút đầu tư trồng rừng, cải thiện diện tích rừng trồng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng từ năm 2008 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng trên 135.000 ha rừng tập trung. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm để không những tạo việc làm, tăng thêm thu nhập mà còn thay đổi nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng cho một bộ phận người dân sống bằng nghề rừng. Cụ thể, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giao đất rừng cho 4.694 hộ với diện tích 87.199 ha, giao khoán trồng rừng sản xuất cho 16.461 hộ, với diện tích 11.801 ha và giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 32.685 hộ, với diện tích 519.564 ha...


Sản xuất công nghiệp đã hình thành một số ngành công nghiệp mới như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu và giá trị sản xuất tăng trung bình 18%/năm. Dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của đồng bào các dân tộc, các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch phát triển nhanh. Công tác y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao... ngày càng phát triển đáp ứng tốt yêu cầu cho đồng bào các dân tộc. Toàn vùng hiện nay đã có 2 xã đạt 19 tiêu chí, 17 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí, 76 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí, số xã còn lại đạt dưới 8 tiêu chí.


Công tác xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên đã được đẩy mạnh với nhiều giải pháp, mô hình có hiệu quả như phát triển cao su tiểu điền, tăng cường khuyến nông, đưa giống, cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo... góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc để xóa nghèo bền vững.Thu nhập bình quân đầu người được thu hẹp khá nhanh so với trung bình cả nước, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm có hiệu quả...


Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới là xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD, từng bước thu hẹp khoảng cách tỷ trọng thu/chi ngân sách. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng Tây Nguyên đạt trên 40%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3%/năm, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Trước mắt, ngay trong năm 2014, các tỉnh Tây Nguyến phấn đấu tăng trưởng kinh tế tăng từ 8 đến 12,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 27 đến 31,6 triệu đồng, huy động vốn đầu tư xã hội tăng từ 15% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% so với năm 2013...


Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN