Tập đoàn sản xuất tàu điện và công nghệ đường sắt Bombardier tuyên bố sẽ sa thải 1.400 nhân viên tại nhà máy cuối cùng của họ ở Anh, sau khi bị tuột mất một hợp đồng trị giá 3 tỷ bảng vào tay đối thủ của Đức.
Bombardier cho biết sau khi hoàn thành các đơn đặt hàng gần đây và việc bị thua trong cuộc đấu thầu dự án tuyến đường sắt Thameslink khiến khả năng sa thải gần 50% tổng nhân lực tại nhà máy ở Derby, miền Trung nước Anh, là “không thể tránh khỏi”. Francis Paonessa, Giám đốc phụ trách kinh doanh của chi nhánh Bombardier tại Anh, nói rằng thất bại trong dự án trên đồng nghĩa với 4/5 dây chuyền sản xuất của Tập đoàn sẽ buộc phải “đắp chiếu” kể từ tháng 9 tới.
Trúng thầu dự án Thameslink là Tập đoàn Siemens của Đức. Dự án Thameslink do Chính phủ Anh đầu tư sẽ xây dựng một tuyến tàu điện dài 225 km, với 1.200 toa tàu được đặt hàng, nối hai thành phố Bedford và Brighton và chạy qua thủ đô Luân Đôn.
Trong số hơn 1.400 nhân viên Bombardier dự kiến sẽ bị mất việc làm có hơn 980 nhân viên ngắn hạn và 446 nhân viên dài hạn. Thông tin mới nhất ngay lập tức đã làm dấy lên tâm lý giận dữ từ các nghiệp đoàn lao động và một số chính trị gia. Bob Crow, một thành viên của liên đoàn nhân viên đường sắt RMT, ngày 5/7 cho rằng chính phủ liên minh Anh đã “phá hoại ngành công nghiệp” trong nước.
Còn một lãnh đạo của liên đoàn đường sắt TSSA đề nghị Chính phủ hủy bỏ kết quả đấu thầu vì “không một chính phủ nào của Đức hoặc Pháp sẽ dại dột trao một dự án quan trọng cho một nhà thầu nước ngoài”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Anh Philip Hammond cho rằng việc hủy kết quả đấu thầu “không phải là một lựa chọn”. Theo ông, lựa chọn duy nhất giờ đây là trao dự án cho nhà thầu tốt nhất hoặc hủy bỏ toàn bộ dự án.
Bombardier là Tập đoàn công nghiệp của Canađa từng có tên trong danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới theo bình chọn của Tạp chí Fotunes. Chi nhánh của Bombardier tại Anh tham gia cung cấp nhiều thiết bị và công nghệ cho hệ thống tàu điện ngầm ở Luân Đôn.
TTXVN/Tin tức