Tạo việc làm cho phụ nữ vùng cao

Gần 10 năm qua, nghề làm chổi đót đã giúp nhiều gia đình ở xã A Ngo, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cải thiện đời sống.


Đến thôn A Diên, xã A Ngo, chúng tôi mới hiểu được lý do vì sao hầu hết sản phẩm làm ra của Hợp tác xã sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện (HTX) đều được tiêu thụ hết. Mỗi người một công đoạn, từ mua đót, cân đót, phơi đót, rũ bông đót, phân loại, gia công cán chổi, vót mây... Chị Hoàng Thị Kén, chủ nhiệm HTX bày tỏ: Nghề gì cũng vậy, đã làm thì phải toàn tâm toàn ý, muốn bán được nhiều sản phẩm phải chú ý đến chất lượng. Một cái chổi tốt phải được kết bền và chắc chắn, cọng đót vàng óng và bong, cán chổi thẳng và nhẹ.

 

Đan lát đồ thủ công mỹ nghệ tại HTX.


Năm 2004, được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã A Ngo, chị Kén lặn lội về thị xã Hương Thủy để học nghề làm chổi đót. Lúc đầu chị làm chổi tại nhà và đem bán ở một số cửa hàng quen trên địa bàn. Dần dần, việc làm ăn thuận lợi, chị mạnh dạn mở cơ sở sản xuất với 10 thành viên, mong muốn tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn. Chỉ làm lúc nông nhàn, nhưng mỗi ngày mỗi chị, cũng thu được 70.000 - 80.000 đồng. Càng ngày càng có nhiều đơn đặt hàng, khoảng sân trước nhà chị không đủ làm nơi sản xuất nên năm 2009 chị đã vay vốn ngân hàng để mở rộng nhà xưởng và thành lập HTX sản xuất chổi đót và gia công hàng mỹ nghệ. Chị đã xây dựng được nhiều "đầu mối" thu mua đót để tích trữ sau khi hết mùa khai thác đót, liên tục đầu tư xây dựng sân bãi để phơi đót, nhà xưởng, kho chứa đót, tìm mua những loại cán chổi tốt bằng loại tre Ale của đồng bào Tà ôi, Pacô...


Từ hai bàn tay trắng, đến nay, chị Hoàng Thị Kén đã trở thành bà chủ của một cơ sở có doanh thu cao. HTX sản xuất chổi đót và gia công hàng mỹ nghệ Hoàng Thiện của chị là điểm sáng trong tạo việc làm cho người dân nghèo, đặc biệt là các phụ nữ ở vùng cao. Hiện hợp tác xã của chị có 35 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng. Nhiều thời điểm, số nhân công ở cơ sở lên đến 40 lao động nữ. Mỗi tháng, HTX sản xuất trên 500 cái chổi đót và hàng trăm sản phẩm đan lát nội thất. Sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp cho người dân địa phương mà còn cung ứng cho các "đầu mối" ở một số tỉnh, thành phía Bắc.


Không chỉ tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em, chị Kén còn mở nhiều lớp đào tạo nghề cho gần 200 chị em ở các xã A Ngo, Bắc Sơn, Hồng Thái, Hồng Thượng. Bận rộn với việc quản lý, tìm "đầu ra" cho sản phẩm nhưng chị Kén kuôn quan tâm đến đời sống của chị em trong HTX, tích cực hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn, lúc đau ốm; tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, khuyến học khuyến tài ở địa phương. Chị còn tích cực tham gia làm giảng viên lớp tập huấn nghề chổi đót do Phòng Công Thương huyện A Lưới tổ chức cho đồng bào dân tộc vùng cao. Đặc biệt, đối với nhiều chị em nghèo, thiếu vốn sản xuất, chị sẵn sàng tạm ứng nguồn đót đến khi có thu nhập từ bán chổi, chị mới lấy lại vốn.


Chị Hoàng Thị Mai Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện A Lưới cho biết: Chị Hoàng Thị Kén là tấm gương về người phụ nữ không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Hội Phụ nữ huyện cũng đã tạo điều kiện cho chị tiếp cận nguồn vốn chính sách, các dự án khuyến công để phát triển kinh doanh sản xuất của hợp tác xã.


Bài và ảnh: Tường Vi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN