Tạo niềm tin về cơ hội phát triển

Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (ảnh), Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM đã trao đổi với PV Báo Tin tức về các giải pháp nhằm “cứu” doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

 

Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo như Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thưa ông?


Việc Chính phủ chủ động đưa ra mức giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 22% tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN (dự kiến áp dụng từ 1/4/2014) là một quyết định rất tích cực, giúp doanh nghiệp (DN) có thêm kinh phí tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, quy định này còn tạo thêm niềm tin về cơ hội phát triển cho DN, khiến họ cảm nhận được sự đồng hành và chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn.

 

Theo ông, dự luật này có cần điều chỉnh quy định nào nữa không?


Theo tôi, Dự thảo Luật Thuế TNDN cần xem xét việc miễn thuế TNDN đối với phần lợi nhuận (tối thiểu 20%) đưa vào Quỹ tích lũy không chia của hợp tác xã để tổ chức này có cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh hơn.


Ngoài ra, không nên khống chế mức trần đối với chi quảng cáo, khuyến mãi là 15% (trong quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế - PV). Hiện nay, một số ý kiến lo ngại nếu không khống chế mức trần này thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đẩy chi phí quảng cáo, khuyến mại lên cao đến mức không còn lợi nhuận để nộp thuế TNDN. Đây là một biến tướng của hoạt động chuyển giá (thay đổi giá bất thường nhằm hưởng lợi về thuế). Nhưng theo tôi, nguy cơ DN cố tình chuyển giá chỉ là cục bộ, còn đa số DN vẫn phải cân nhắc chi quảng cáo, khuyến mại như thế nào để vừa xây dựng được thương hiệu, vừa có lợi nhuận để tích lũy tái sản xuất và còn chia lãi cho cổ đông, chủ đầu tư...


Hơn nữa, nếu muốn chuyển giá, DN có thể nâng rất nhiều chi phí khác như: chi phí nhập nguyên liệu đầu vào, chi phí quản lý, chi phí xây dựng thương hiệu... Nghĩa là việc nâng tỷ lệ chi cho quảng cáo và khuyến mại chỉ là một trong những chi phí mà DN có thể lợi dụng để chuyển giá mà thôi. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là nhà quản lý cần nâng cao năng lực để ngăn chặn các hành vi chuyển giá ấy, chứ không nên vì một hành vi mà đưa ra chính sách cản trở quá trình xây dựng thương hiệu ở trong và ngoài nước của đa số DN.

 

Một số ý kiến cho rằng, việc giảm thuế TNDN chỉ “lợi” cho các DN “khỏe”, còn không có mấy tác dụng với các DN “yếu” vì có khi DN phá sản trước khi dự luật này có hiệu lực. Xin ông cho biết ý kiến và giải pháp về vấn đề này?

Để giúp DN chuyển từ tình trạng “yếu”, thậm chí sắp phá sản sang trạng thái “khỏe” thì cần rất nhiều biện pháp; mà quyết định về việc giảm thuế TNDN chỉ là một trong số các biện pháp đó.


Thời gian qua, Chính phủ rất nỗ lực để đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các DN như: Giảm lãi suất, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, kích cầu để giảm hàng hóa tồn kho; và tới đây là các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, khoanh và giãn nợ cho DN...


Nhưng theo tôi, ngoài sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ thì các DN cũng phải tự cứu lấy mình bằng cách tự tái cơ cấu thông qua hoạt động quy hoạch ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại nguồn lực, cân đối lại ngồn vốn, áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm độc đáo, phù hợp với nhu cầu thị trường...


Xin cảm ơn ông!

 

Liên Phương thực hiện

Giảm thuế để kích thích tăng trưởng - Nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp
Giảm thuế để kích thích tăng trưởng - Nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được báo cáo Quốc hội khóa XIII đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN